Liên quan tình trạng ô tô né trạm thu phí, đi đường vòng, phá hỏng đường dân sinh, ngày 19/1, ngành chức năng đã khảo sát phương án khắc phục.
Tại hiện trường khảo sát, ông Thân Hóa, đại diện chủ đầu tư trạm thu phí Bắc Quảng Nam tại thị xã Điện Bàn, cho biết trước đây địa phương yêu cầu đặt trạm thu phí cách xa khu dân cư. Do đó, trạm thu phí được dời từ xã Hòa Phước (Đà Nẵng) đến vị trí hiện nay.
Ban đầu, mỗi ngày, doanh thu của trạm đạt 600-700 triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 150 triệu đồng/ngày. Do quá trình phát triển đô thị, xung quanh trạm có nhiều khu dân cư, phát sinh đường ngang dân sinh giao với quốc lộ, nên ô tô đi vào đường dân sinh để né trạm.
Theo hợp đồng BOT, lượng xe tăng lên, doanh số cao thì số năm thu phí giảm xuống và ngược lại. Do đó, chủ đầu tư đã điều chỉnh thời gian thu phí từ 13 năm lên 27 năm.
Chủ đầu tư đề xuất ngành chức năng nghiên cứu, xem xét đóng dải phân cách trên quốc lộ 1 tại km944+250, chỉ để khoảng 2m cho xe máy lưu thông, hoặc mở dải phân cách tại km944+470.
Với phương án trên, ô tô không đi vào khu dân cư, gây hư hỏng đường dân sinh, tránh nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời, trạm rút ngắn thời gian thu phí.
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam thống nhất việc đóng dải phân cách tại km 944+250, tuy nhiên cần nghiên cứu đóng hẳn hay đóng mở 2m để xe máy, mô tô lưu thông.
Theo đại diện Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, các ngành chức năng cần phân tích kỹ hơn việc đóng, mở dải phân cách thì được gì và mất gì; cần có sự thống nhất chung rồi gửi văn bản trình Tổng Cục đường bộ quyết định.
Thượng tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, nêu quan điểm phương án đóng giải phân cách là phù hợp, sau đó, tính tiếp vị trí mở một lối khác để ô tô, xe máy của người dân đi lại đảm bảo an toàn.
Ông Tiết Đình Quang, Phó Phòng thanh tra - An toàn Khu Quản lý đường bộ III, cho rằng việc đóng mở dải phân cách tại km944+250 phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Theo ông Quang, người dân không muốn có dải phân cách, để đi lại thoải mái. Chủ đầu tư muốn đảm bảo nguồn doanh thu. Cơ quan quản lý nhà nước thì muốn làm thế nào để tuyệt đối an toàn, không xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Quang cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến, sau đó, báo cáo Tổng Cục đường bộ Việt Nam để giải quyết.
Ông Quang cũng cho rằng người dân không muốn ô tô lưu thông Bắc - Nam đi vào đường nội thị. Thứ nhất gây mất an toàn cho người dân, thứ hai là gây hư hỏng đường sá.
"Tham gia giao thông mà mất an toàn là không được. Không thể vì thuận lợi cho anh gây ảnh hưởng cho người khác, cho xã hội. Giải pháp đóng hay mở dải phân cách, tôi sẽ tham mưu, báo cáo Tổng Cục đường Bộ Việt Nam", ông Quang nói.
Như Dân trí phản ảnh, hàng ngày, hàng nghìn ô tô con, xe tải, xe khách né trạm thu phí Bắc Quảng Nam trên quốc lộ 1, đi vào đường cấm và đường dân sinh, gây hư hỏng đường trong khu dân cư.
Người dân trong khu dân cư bức xúc với tình trạng ô tô tải, xe khách né trạm, đi vào đường trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường "nắng bụi mưa bùn", gây mất an toàn giao thông cho học sinh, công nhân lao động.