Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của TP Hội An kỷ niệm 24 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999-2023); 6 năm nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017-2023).
Theo Ban Tổ chức, sự kiện nhằm khẳng định vai trò và tri ân sự đóng góp to lớn của những người con ưu tú quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng bị địch giam cầm tại nhà tù Côn Đảo trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trên cơ sở hàng nghìn trang tư liệu sưu tầm, hàng trăm phiếu ý kiến góp ý, tổ chức nhiều cuộc tham vấn nhân chứng, Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tu bổ các hạng mục cổng vào, nhà văn phòng, dãy nhà giam nam, nhà y tế, tường rào... đảm bảo yếu tố nguyên trạng trước đây.
Một số hạng mục hư hại chỉ còn lại nền móng đã được phục hồi như phòng giam nữ phía đông, phòng giam nữ phía bắc, cột cờ, vọng lâu…
Qua thời gian thực hiện tu bổ, tôn tạo, những hạng mục chính của di tích Nhà lao Hội An đã hoàn thiện.
Đặc biệt, nhà hội trường được cải tạo để trở thành phòng trưng bày giới thiệu tổng quan về di tích các nhà lao thời thực dân, đế quốc ở Hội An với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày qua các chủ đề lịch sử hình thành các nhà lao; tội ác của địch; cuộc sống sinh hoạt và hoạt động đấu tranh của đồng bào và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Nhà lao Hội An…
Qua đó, giúp công chúng hiểu sâu hơn giá trị nhiều mặt lịch sử - văn hóa của các di tích; truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng.
Sau khánh thành, di tích Nhà lao Hội An mở cửa thường xuyên để các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, hội viên tù yêu nước đến tham quan, sinh hoạt truyền thống...
Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia cho hệ thống các nhà tù thực dân, đế quốc ở Hội An để xứng tầm với giá trị lớn lao của di tích.
Ngoài ra, Trung tâm tham mưu cấp thẩm quyền tiếp tục đầu tư nâng tầm, mở rộng để hướng đến hình thành một điểm tham quan du lịch, góp phần làm phong phú hệ thống các điểm tham quan ở Hội An.
Dịp này, hoạt động trưng bày hình ảnh, tư liệu "Người Quảng Nam - Đà Nẵng ở Nhà tù Côn Đảo", do Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp với Trung tâm quản lý bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo tổ chức, diễn ra từ ngày 28/11 đến hết ngày 4/12 tại di tích Nhà lao Hội An.
Du khách sẽ được hướng dẫn, thuyết minh về những hình ảnh, tư liệu "Người Quảng Nam - Đà Nẵng ở Nhà tù Côn Đảo".
Theo lãnh đạo Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đây là sự kiện văn hóa, chính trị mang nhiều ý nghĩa nhằm tri ân, tưởng nhớ các thế hệ tiền bối ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã đấu tranh kiên cường, anh dũng chống lại thực dân, đế quốc tại Nhà tù Côn Đảo, góp phần to lớn vào thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch TP Hội An cho hay trong suốt 113 năm (1862-1975) đã có hơn 2.000 con người Quảng Nam - Đà Nẵng đã bị giam cầm đọa đày tại Nhà tù Côn Đảo, trong số đó hầu hết trước đó bị địch giam cầm tại Nhà lao Hội An.
"Với hơn 150 hình ảnh, tư liệu được trưng bày giới thiệu ở đây giúp chúng ta có thêm những thông tin bổ ích về sự kiên trung, bất khuất của những người Quảng Nam - Đà Nẵng ở Nhà tù Côn Đảo", ông Nguyễn Văn Lanh phát biểu.
Theo lãnh đạo TP Hội An, trưng bày lần này cũng sẽ mở ra một hướng tiếp cận đầy đủ hơn, toàn diện hơn và sâu sắc hơn trong nghiên cứu, giới thiệu về nhà lao Hội An gắn kết với những tư liệu, vấn đề liên quan từ các nhà lao khác.