Khán giả tỉnh mê và những ca sĩ chân đất

Trần Chánh Nghĩa| 22/08/2022 07:00

Họ ngồi theo 3 hướng. Dưới tán cây rậm rạp, ánh nắng chói chang chỉ xuyên qua được ở vài kẻ lá. Bên trái, bên phải và trước mặt sân khấu, mỗi bên có khoảng hơn 100 người. Rất giống nhau, ai cũng cắt tóc thật ngắn, mặc áo thun cùng màu. Sau lưng áo có hàng chữ : "Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định". Họ im lặng và chăm chú nhìn lên sân khấu...

Họ là khán giả. Họ cũng là diễn viên, là ca sĩ. Hôm nay, 2 nhóm thiện nguyện: Những tấm lòng vàng và Bồ đề tâm, gồm những bạn tuổi đời còn rất trẻ băng rừng về đây đến với họ. Các bạn trẻ đã xây dựng một sân khấu giữa ngã ba đường râm mát để họ - những mãnh đời bất hạnh tìm chút niềm vui trong những tháng ngày chôn chân nơi đây.

Chúng tôi nhìn họ. Nam có, nữ có. Già có, trẻ có. Họ có chung một đặc điểm, đầu hớt nhẵn dù là gái. Gương mặt họ ngơ ngác. Đôi mắt họ thất thần. Tiếng nói của họ lúc được lúc mất. Có thể họ cười lúc đang xúc động và cũng có thể họ khóc khi niềm vui ập đến...

khangia-1.jpg
Sân khấu dưới tán cây

Họ có mặt tai đây khoảng 300 người trong số 1400 bệnh nhân ở Trung Tâm. Trước khi về đây, họ là những người lang thang khắp nơi. Từ đầu đường tới xó chợ. Đói khát, lạnh lẽo. Có người hàng tháng không ngủ, bươi móc tim kiếm thức ăn ở những nơi bẩn thỉu, dơ dáy...

Trong một lần bố ráp nào đó, họ được đưa về tập trung phân loại. Nhựng người bị tâm thần không nơi nương tựa được đưa về đây: Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định. Một cán bộ của Trung tâm cho chúng tôi biết họ được chữa bệnh và cũng có nhiều người thuyên giảm. Trung tâm thường xuyên cho họ kê khai đia chỉ quê quán. Trong hàng ngàn lời khai, trung tâm theo đó gởi thư về thông báo nhưng hồi âm chỉ dừng lại ở con số dưới 100.

khangia-2.jpg
Các bạn trẻ thiện nguyện mở màn

Tiếng nhạc đã vang lên. Trên sân khấu, một bạn trẻ nữ dẫn chương trình giới thiệu một màn múa tập thể. Mời các bệnh nhân tâm thần lên sân khấu cùng biểu diễn. Bên dưới có nhiều tiếng ồn ào. Rồi một người chạy lên. Rồi tiếp theo những người khác cũng lên chẳng mấy chốc chật cả sân khấu.

Hơn 20 người, bệnh nhân và các bạn thiện nguyện cùng nhau nhảy múa theo một điệu nhạc. Mỗi người nhảy một kiểu. Âm nhạc không theo cùng điệu nhảy. . . nhưng cần gì ? Cái cần nhất trong hôm nay là các bệnh nhân được vui. Bên dưới nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng. Nhiều ánh mắt hướng về sân khấu. Nhiều nụ cười rạng rỡ. Nhiều tiếng bình phẩm vang lên

Không khí sôi động lắm rồi. Đến phần đơn ca. Một chị chạy nhanh lên dành lấy micro. Không cần giới thiệu, không cần âm nhạc, chị cất lên tiếng hát. Tiếng hát của chị vang lên trong ánh nắng. Mọi người bên dưới lắng nghe. Có người thổn thức. Có người cười vang. Những trạng thái tình cảm của con người bộc lộ rõ nét.

Hết chị này, tới một anh khác. Họ xung phong lên không cần mời đến tiếng thứ 2. Hăng hái, vui vẻ.

Người đứng trên sân khấu lần này là một người đàn ông trung niên. Tóc hớt ngắn như bao người khác, chiếc áo thun bạc màu và quần lửng. Anh không giới thiệu bài hát mà tự nhiên cất tiếng. Bài hát anh hát nghe rất lạ diễn tả lại một cuộc chia ly của mối tình đẹp. Bên dưới lắng nghe.

khangia-3.jpg
Ca sĩ và khán giả
khangia-4.jpg
Thay vì hoa, thưởng ca sĩ hát hay bằng hộp sữa

Trong hàng "khán giả" đứng tuổi ngồi phía trước sân khấu, một người bịt chặt hai tai. Chúng tôi đến gần. "Sao anh không nghe mà bịt tai lại ?". Đôi mắt anh ngơ ngác. Mặt anh chùng xuống có vẻ phụng phịu. Giong anh lắp bắp: "lên mấy lần không được hát. Không thèm nghe nữa". Thì ra là vậy. Những người bệnh tâm thần trong một phút giây nào đó họ trở về với bản năng tự nhiên, cũng hờn giận cũng oán trách. Cái hờn giận oán trách đó khiến ai cũng thấy...dễ thương chi lạ.

khangia-5.jpg
Nữ ca sĩ chân đất
khangia-6.jpg
Biểu diễn hết mình

Buổi trình diễn văn nghệ tiếp tục. Chúng tôi len vào phía bên phải sân khấu. Nơi đây nhiều bệnh nhân nữ. Tôi đập vào vai một cô gái trẻ đang gục đầu : "sao cháu không nghe hát ?. Lên tham gia cho vui ?". Ngước lên nhìn tôi bằng đôi mắt ướt : con nhớ nhà quá chú ơi. Chú bảo lãnh cho con về nhé. Con ở đây đã 5 năm rồi .

Tôi hết sức bất ngờ nhưng cũng giữ được bình tĩnh : "nhà cháu ở đâu ?". Dạ Tánh linh Bình Thuận. bố mẹ cháu người Bắc vào Tánh Linh sinh ra cháu nên cháu nói tiếng Nam. Cháu học đến lớp 3. Cháu đọc cho chú nghe nè. Cô gái nhìn vào tấm pano rồi đọc một mạch. Đúng hết...

Tôi hỏi : cháu tên gì ? tai sao vô đây ?. Đến đây thì cô gái bẽn lẽn : cháu không biết cháu tên gì và tại sao vô đây chú ơi. Cô gái cười. Những giot nước mắt còn long lanh trên đôi mắt. Tiếng loa vang lên. Mời người lên hát. Một chị mạnh dạn đi lên với lấy mic trong tay người dẫn chương trình rồi cất giọng: "Đã lâu lắm rồi em về thăm lại chốn xưa, Đã lâu lắm rồi em về đi qua cầu dừa".

khangia-7.jpg
khangia-8.jpg
khán giả

Bên dưới, một tràng vỗ tay ủng hộ. Chị phấn kích nở nụ cười trên môi. Nhìn chị hát với tất cả niềm vui mọi người đều vui theo. Lời ca mộc mạc kể lại câu chuyện tình của một chàng trai miền sông nước nhớ lại một thuở cùng qua cầu dừa với người mình yêu có phải là tâm tư của chị không mà sao nghe chị hát thiết tha đến thế : "em ở phố thị quen rồi xe cộ đón đưa. Em đã quên rồi quê mình có cây cầu dừa. Cầu dừa anh chay trước em sau, em cùng anh quấn quýt bên nhau, cây me trước nhà cây khế sau ngỏ trèo leo cùng cười!!".

Nhiều bài hát nữa tiếp theo. Nhu cầu được hát còn quá nhiều nhưng mặt trời lên đến đỉnh đầu. Đây là thời khắc không thích hợp cho những người bệnh tâm thần. Thì ra, con người dù ở trạng thái tỉnh hay mê, lời ca tiếng hát vẫn là một thứ thần dược giúp ho quên đi đau buồn và sống trọn vẹn với niềm vui.

Nhìn từng đoàn người ra về, văng vẳng bên tai tôi còn vọng lại câu hát: "Hôm nay đi Chùa Hương, Hoa cỏ mờ hơi sương. Cùng thầy me em dậy, Em vấn đầu soi gương". Cứ thế vang vọng cho đến khi họ khuất bóng.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 21/11/2015
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/khan-gia-tinh-me-va-nhung-ca-si-chan-dat-274140.html

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khán giả tỉnh mê và những ca sĩ chân đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO