"Chúng tôi đến từ Anh Quốc, nơi cũng có tháp nước nhưng không giống thế này", cặp vợ chồng Jody và Zoe chia sẻ với phóng viên Dân trí sau khi bước ra khỏi tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình, Hà Nội).
Công trình mang kiến trúc Tây âu lạ thường, khác hẳn với hình dung của họ về một Việt Nam chỉ có những đền chùa phong cách Đông Á.
"Lần đầu chiêm ngưỡng, tôi tưởng nó là một đồn bốt quân sự", Jody nói. Trong khi đó, người vợ Zoe cảm thấy sự uy nghi và liên tưởng tháp nước Hàng Đậu với một nhà thờ Công giáo.
Du khách thích thú
Sáng 17/11, di tích tháp nước Hàng Đậu (Hà Nội) chứng kiến dòng du khách đầu tiên bước vào tham quan sau thời gian cải tạo, tu sửa.
"Tôi muốn mỗi lượt 5 người, và mỗi người có 10-15 phút để cảm thụ không gian bên trong tháp nước", Cao Thế Anh, kiến trúc sư chính của không gian tháp nước Hàng Đậu, nói với phóng viên.
Trong ngày khai trương, đoàn người xếp hàng dài dọc vườn hoa Vạn Xuân khiến ban tổ chức không thể thỏa mãn mong muốn của vị kiến trúc sư. Họ cho mỗi lượt 20 người vào tháp nước và cả đoàn chỉ có hơn 3 phút để ngắm nhìn, lắng nghe không gian nghệ thuật. Không có thời gian để dừng lại chụp ảnh "check-in".
Các du khách bước vào không gian bên trong được nhắc nhở giữ im lặng và tập trung lắng nghe. Bên dưới chân họ, tiếng giọt nước nhỏ xuống được những chiếc micro siêu nhạy thu trực tiếp và phát ra hệ thống loa treo trên nóc tháp. "Có một người phụ trách riêng về âm thanh để đảm bảo tiếng nước rơi đúng tần số", KTS Thế Anh chia sẻ.
Trong buổi khai trương sáng 17/11, công tác tổ chức vẫn còn những điều để rút kinh nghiệm. Nhưng ít nhất đã giữ được không khí văn minh, trật tự và "không vỡ trận".
Lực lượng công an, trật tự địa phương có mặt từ sớm, họ chặn một đoạn phố Hàng Cót từ Quán Thánh đến Hàng Đậu, mở ra một hành lang cho du khách đi bộ an toàn từ vườn hoa Vạn Xuân để tiếp cận tháp nước.
Bên cạnh tháp nước, URENCO đã lắp đặt 2 nhà vệ sinh lưu động và cử một người phục vụ ngồi kế bên. Lo ngại về tình trạng phóng uế, xả rác phần nào được giải tỏa.
Nhiều du khách thích thú với không gian bên trong nhưng tiếc nuối vì hành trình trải nghiệm hơi "chóng vánh". Họ tiếp tục xếp hàng để trải nghiệm lượt tiếp theo.
Sự kiện tham quan tháp nước Hàng Đậu sẽ kéo dài trong 10 ngày, kết thúc vào 26/11.
"Các đơn vị phải chung tay"
"Hãy nghe âm thanh giọt nước nhé, tiếng nước rơi ở đây rất khác thường", Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nói với các lãnh đạo phường, quận khi ông cùng họ trải nghiệm không gian tháp nước Hàng Đậu vào sáng 17/11.
Họ đi qua những "lá sen" nhiều màu sắc được tái chế từ rác thải nhựa. Ánh sáng chiếu vào khiến chúng lơ lửng như đang bay. Dưới chân họ, một hành lang gỗ được lắp đặt sau khi rác rưởi được dọn sạch khỏi tòa thủy đài.
Không gian bên trong tháp nước là thành quả sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đức Phương, một họa sĩ 8X, và Cao Thế Anh, kiến trúc sư sinh năm 1996.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đình Hồng cho biết để mở cửa khai thác được tháp nước Hàng Đậu là thành quả hợp tác của nhiều bên, gồm UBND Hà Nội, Tổng công ty nước sạch Hà Nội (đơn vị được giao quản lý công trình), cơ quan quản lý văn hóa và các nghệ sĩ, nhà tài trợ...
"Câu chuyện tháp nước do ai quản lý chưa cần nói lúc này, quan trọng tất cả đều phải chung tay", ông nói.
Quay sang Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, ông Hồng nhắn nhủ địa phương tiếp nhận và duy trì không gian nghệ thuật, đảm bảo nó sẽ tiếp tục được duy trì sau khi sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 kết thúc.
"Hãy thắp nhiều đèn hơn và trang trí thêm cây cỏ, chỉ cần như vậy là không gian đã rất khác rồi", lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao gợi mở.
Trong lễ khai trương, ban tổ chức một lần nữa minh định lại các tên gọi. Họ gọi vườn hoa Hàng Đậu theo đúng tên là vườn hoa Vạn Xuân và khẳng định "Tháp nước Hàng Đậu" khác với "Bốt Hàng Đậu" - đồn cảnh sát ở bên kia đường.