Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh

31/10/2024 08:29

Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã chây ì thực hiện cam kết tiến độ đầu tư và liên doanh lòng vòng với nhiều doanh nghiệp khác để thực hiện dự án này. Vì thế, khách hàng mua căn hộ tại dự án này đang rơi vào “ma trận” liên doanh chưa có hồi kết. 

“Ma trận” liên doanh, rồi lại liên doanh

Bà Nguyễn Ngọc Linh (ở phường Thanh Xuân, TP Hà Nội) là một trong số hàng trăm khách hàng vừa có đơn thư đến các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa đề nghị vào cuộc bảo vệ quyền lợi khi mua nhà tại dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập do Công ty CP Sông Đà - Nha Trang làm chủ đầu tư. Bà Linh đã trót đầu tư dự án của công ty này nên bà không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý chuyển tiếp hợp đồng.

Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh ảnh 1
Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập đã được chủ đầu tư liên doanh lòng vòng.

Theo đơn của bà Nguyễn Ngọc Linh, năm 2010 bà có mua bán căn hộ tại dự án Usilkcity từ Công ty Sông Đà - Thăng Long với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng (tương ứng 50% giá trị hợp đồng). Sau 5 năm chờ đợi, bà Linh đi đòi lại tiền bất thành vì chủ đầu tư than khó khăn tài chính. Chủ đầu tư gợi ý để bà Linh tiếp tục ký biên bản bù trừ công nợ giữa 3 bên vào dự án Butterfly TM1 (thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập) dưới pháp nhân là Công ty CP Sông Đà - Nha Trang. “Chúng tôi là người đi mua nhà nên khi chủ đầu tư vẽ ra một dự án mới ở TP Nha Trang với vị trí đắc địa, khả năng thanh khoản cao thì ai cũng hi vọng sẽ lấy lại được tiền”, bà Linh chia sẻ.

Chủ đầu tư ban đầu dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập là Công ty Sông Đà - Thăng Long, nhưng đến năm 2012 thì công ty này liên doanh với Công ty Sông Đà - Nha Trang theo tỷ lệ 40:60. Thời điểm đặt bút ký vào hợp đồng góp vốn mua nhà tại dự án Butterfly TM1, những khách hàng như bà Linh một lần nữa rơi vào tình cảnh tiến thế lưỡng nan bởi đại diện pháp lý bây giờ là Công ty Sông Đà - Nha Trang. Nhưng Công ty Sông Đà - Nha Trang không thực hiện như cam kết tiến độ dự án mà lại chuyển nhượng một khoảng 24.000m2 đất cho các nhà đầu tư khác trong đó có lô TM1 (dự án Butterfly TM1).

Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh ảnh 2
Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập đã gửi đơn khởi kiện chủ đầu tư ra TAND tỉnh Khánh Hòa.

Từ đây, số phận các khách hàng mua nhà tại lô TM1 tiếp tục được đẩy sang cho một chủ đầu tư mới có tên Công ty HPH Hospitality. Đáng nói, việc liên doanh này lại không bao gồm các nghĩa vụ khách hàng đã góp vốn. Vì thế, một số khách hàng đã gửi đơn kiện chủ đầu tư ra TAND tỉnh Khánh Hòa.

Tiếp tục đề xuất gia hạn

Cuối năm 2023, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã ký ký văn bản đồng ý gia hạn lần cuối thêm 12 tháng cho chủ đầu tư khắc phục việc chậm tiến độ đối với dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập. Trong nội dung văn bản này, ông Trần Hòa Nam yêu cầu chủ đầu tư giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến góp vốn vào dự án thành phần TM1. Trường hợp không khắc phục, tỉnh Khánh Hòa sẽ xem xét, chấm dứt hoạt động dự án hoặc chấm dứt một phần dự án.

Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh ảnh 3
Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập đã nhiều lần đề xuất gia hạn tiến độ dự án.

Đến ngày 27/10/2024, dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập đã hết thời gian gia hạn 12 tháng khắc phục chậm tiến độ, nhưng hiện dự án còn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tranh chấp hợp đồng với khách hàng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (người mua căn hộ tại dự án TM1) cho biết: Từ cuối năm 2023 đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết đơn thư của người dân liên quan đến nhu cầu rút vốn.Trong khi đó, việc giải quyết đơn thư là một trong những nội dung mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trước khi gia hạn tiến độ lần cuối cùng.

Tại cuộc họp với các sở, ngành tỉnh Khánh Hòa ngày 23/10 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà - Nha Trang, cho biết: Đến nay dự án có 5/9 hộ dân (thuộc nhóm chưa có phương án bồi thường hỗ trợ), 2/5 hộ dân (thuộc nhóm có quyết định cưỡng chế) và 21 hộ dân (thuộc nhóm có quyết định bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng) đã chấp nhận bàn giao mặt bằng thi công. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư đàm phán, vận động các hộ bàn giao mặt bằng trước không thể thực hiện được nữa vì một số hộ còn lại không chấp nhận.

Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh ảnh 4
Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập đang vướng giải phóng mặt bằng thi công.

Vì thế, ông Nguyễn Ngọc Việt kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo quyết liệt để các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đúng thời hạn và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư tiếp tục thi công đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở thấp tầng và các thủ tục về đất đai để hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, gia hạn thêm thời gian hoàn thành dự án để cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Thông báo kết luận về dự án này ngày 29/10 của ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Nha Trang và Sở Tư pháp tỉnh khẩn trương họp bàn, rà soát pháp lý dự án đưa ra các giải pháp tối ưu tham mưu cho UBND tỉnh quyết định các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát tiến độ dự án, việc khắc phục đối với những phần việc nhà đầu tư cam kết, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham mưu cho UBND tỉnh về đề xuất gia hạn tiến độ của nhà đầu tư trước ngày 31/10.
Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/khach-hang-du-an-dan-cu-con-tan-lap-roi-vao-ma-tran-lien-doanh-post1687046.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/khach-hang-du-an-dan-cu-con-tan-lap-roi-vao-ma-tran-lien-doanh-post1687046.tpo
Bài liên quan
  • Nhu cầu tìm mua bất động sản đang tăng mạnh
    Trong tháng 10/2024, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với đất nền, lượt tìm kiếm tăng 14% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Hà Nội điều chỉnh giao đất KĐT sinh thái cao cấp gần 2.000 tỷ đồng
    Hà Nội vừa điều chỉnh tên người sử dụng đất dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng từ Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DIA – Hà Tây thành Công ty cổ phần Đầu tư DIA. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.974 tỷ đồng, với 626 biệt thự thấp tầng.
  • Đề án 1 triệu căn NOXH: Hiệu quả thấp, vướng đủ thứ
    Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021 - 2030 hiện chỉ có 79 dự án hoàn thành với 42.414 căn hộ. Nguyên nhân đến từ vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và thực thi, mỗi địa phương thực hiện một kiểu.
  • Cần Thơ khởi công xây dựng 200 căn nhà cho hộ nghèo
    Sáng 17/11, tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công xây dựng 200 căn nhà Đại đoàn kết; hưởng ứng phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Thành phố.
  • Lý do chủ đầu tư dự án bất động sản có tiền nhưng không được trả nợ
    Công an tỉnh Bình Dương kết luận, hai thoả thuận đặt cọc quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai trị giá 496 tỷ đồng tại dự án Khu nhà ở Công ty Phú Quang được ký bởi ông Trần Văn Ngô và ông Nguyễn Văn Lợi không có thật về nội dung giao dịch, mà nhằm tạo ra để vay vốn ngân hàng đầu tư vào dự án. Do đó, không có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  • Nhà triệu USD ngày càng nhiều, nhà ở bình dân tìm không ra!
    Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: “Giá nhà đất quá cao cản trở quá trình phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Tại Hà Nội và TP HCM, khoảng 70% nguồn cung mới đưa ra thị trường là sản phẩm cao cấp, siêu sang. Thậm chí những căn nhà hơn 1 triệu USD xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi nhà ở bình dân biến mất”.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khách hàng dự án dân cư Cồn Tân Lập rơi vào ‘ma trận’ liên doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO