Những ngày gần đây, báo chí thế giới tiếp tục phân tích sâu hơn về kế hoạch thành lập khối "Schengen quân sự" mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ấp ủ-điều mà Nga cho là một bước leo thang khác trong cuộc đối đầu giữa liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu với Moscow.

Theo tờ The Times of India, NATO đang lên kế hoạch thành lập khối "Schengen quân sự" nhằm giảm bớt thời gian vận chuyển các khí tài và điều động lực lượng ngay trong nội bộ của liên minh này. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là một mạng lưới hành lang quân sự trên khắp châu Âu nhằm giúp việc triển khai khí tài và binh sĩ giữa các quốc gia NATO diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ý tưởng thành lập khối "Schengen quân sự" được lấy cảm hứng từ Khu vực Schengen ở châu Âu, vốn cho phép sự đi lại không hạn chế giữa các quốc gia thành viên.

Nguồn tin nêu rõ, giới lãnh đạo quân sự đã đưa ra ý tưởng về việc thành lập mạng lưới "Schengen quân sự" từ lâu và các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra. Kết quả của các cuộc thảo luận có thể sẽ được công bố trước hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm nay.

Hãng tin RT cho biết thêm, tháng 11 năm ngoái, Giám đốc hậu cần khu vực châu Âu của NATO Alexander Sollfrank đã lên tiếng hối thúc các quốc gia thuộc liên minh quân sự này thiết lập những khu vực cho phép binh sĩ và đạn dược di chuyển nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột lớn. Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Times, ông Sollfrank cho rằng các quốc gia thành viên của NATO phải bắt đầu ngay lập tức và nỗ lực giảm bớt hoặc điều chỉnh các thủ tục hành chính. “Mọi người có thể bắt đầu. Hãy làm ngay và đừng chờ đợi, vì cuối cùng chúng ta sẽ không còn thời gian để lãng phí”, quan chức phụ trách mảng hậu cần của NATO tại châu Âu nhấn mạnh.

Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận ở Romania. Ảnh: Press TV 

Hiện nay, NATO phải đối mặt với vô số quy định, ví dụ phải thông báo trước nếu muốn vận chuyển đạn dược, hoặc quy định về thời gian cho phép tối đa với các đoàn xe quân sự, các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh... Ông Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO cho rằng đây chính là những hạn chế mà liên minh quân sự lớn nhất thế giới phải đối mặt. Ông nói: “Chúng ta thừa các quy định, nhưng thứ mà chúng ta không có là thời gian”.

Giám đốc hậu cần khu vực châu Âu của NATO Sollfrank lại đưa ra một ví dụ cụ thể hơn, đó là hiện nay, lính dù ở một quốc gia NATO bị cấm sử dụng dù của một quốc gia thành viên khác thuộc liên minh, ngay cả khi không có lý do gì cho việc hạn chế đó. Ông nhấn mạnh nếu không có vấn đề gì liên quan tới an ninh hay kỹ thuật thì những trở ngại đó không nên tồn tại’.

Chính vì vậy, The Times of India nhận định, việc NATO tính tới việc thành lập mạng lưới hành lang quân sự trên khắp châu Âu được coi là một bước đi chiến lược nhằm bảo đảm việc triển khai và huy động lực lượng của liên minh này diễn ra nhanh chóng. “Đây là cách để chúng ta di chuyển lực lượng trên khắp châu Âu nhanh hơn, là cách để chúng ta có thể vận chuyển các thiết bị hạng nặng, xe tăng và binh sĩ”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích thêm trong một cuộc họp báo ở Lithuania.

Nói cách khác, sáng kiến thành lập khối "Schengen quân sự" nhằm giải quyết những hạn chế về mặt giao thông, cơ sở hạ tầng và hậu cần vốn đang cản trở tốc độ triển khai các hoạt động quân sự của NATO. Với sự ra đời của khối "Schengen quân sự", những hạn chế này sẽ được gỡ bỏ, giúp bảo đảm rằng các lực lượng của NATO sẽ được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả khi cần.

Mặc dù vậy, Tư lệnh Bộ tư lệnh hỗ trợ quốc phòng của lực lượng vũ trang Hà Lan Jan-Willem Maas cho rằng để khối "Schengen quân sự" chính thức ra đời, NATO vẫn cần nhiều sự chuẩn bị.

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch táo bạo của NATO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO