Nhóm nữ hàng đầu có nguy cơ bị “xoá sổ"
Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển hơn 30 năm của Kpop, có một cuộc đấu tố, tranh giành quyền lực nội bộ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền công nghiệp giải trí. Tháng 4/2024, HYBE “châm ngòi" cho cuộc chiến với chính label dưới trướng ADOR bằng cáo buộc tố Min Hee Jin - người phụ nữ tạo ra nhóm nhạc NewJeans âm mưu “chiếm quyền quản lý". HYBE bắt đầu cuộc thanh trừng với việc kiểm toán công khai ban quản lý ADOR, yêu cầu Min Hee Jin cách chức.
Tình thế đảo ngược khi Min Hee Jin tổ chức họp báo công khai để đáp trả HYBE. Cô cáo buộc tập đoàn này “ăn cắp tài sản trí tuệ” và đạo văn NewJeans để tạo ra một nhóm ILLIT, cùng với vô số bất công mà cô phải chịu đựng khi làm việc dưới trướng Bang Si Hyuk. Nhờ màn khuấy đảo này, Min Hee Jin được toà phán quyết có lợi.
Theo đó, HYBE không được cách chức Min Hee Jin cho đến khi đến hạn công tác. Tuy nhiên, cuối cùng tập đoàn này vẫn “hất cẳng" mẹ đẻ NewJeans bằng quyết định thay thế CEO mới cho ADOR vào cuối tháng 8.
Min Hee Jin đã bị tước quyền CEO, khiến NewJeans lao đao. Ba trong số năm thành viên đã bày tỏ mối quan ngại với người hâm mộ của họ. Tuy nhiên, cuối cùng tập đoàn này vẫn “hất cẳng" mẹ đẻ NewJeans bằng quyết định thay thế CEO mới cho ADOR vào cuối tháng 8.
Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại rằng NewJeans có thể bị “xóa sổ”. Trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa ban quản lý cấp cao của HYBE, NewJeans chỉ là một quân cờ, bị tranh giành một cách tàn nhẫn. HYBE không ngần ngại tiết lộ thông tin gây tổn hại, đẩy NewJeans vào thế bí.
NewJeans đã bỏ lỡ hai sự kiện lớn của HYBE trong năm nay, bao gồm Weverse Con 2024 và một triển lãm hợp tác Grammy. Vào ngày 2 tháng 9, CEO mới của ADOR đã ẩn tất cả các video trên kênh YouTube của Ban Hee Soo, nơi đã tải lên nội dung liên quan đến "thế giới khái niệm" mà NewJeans mô tả. Đạo diễn Shin Woo-seok - người đứng sau các MV nổi tiếng của NewJeans - đã bị cấm sử dụng các cảnh quay hậu trường có liên quan.
Trước đó, HYBE đã lên kế hoạch cho NewJeans tạm dừng hoạt động trong 1 năm 6 tháng. Video, hình ảnh và thông tin trước khi ra mắt về NewJeans cũng bị rò rỉ, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của họ. Người hâm mộ tin rằng NewJeans đang bị chính công ty mẹ cô lập và phải đối mặt với nguy cơ đóng băng hoạt động kéo dài.
Sau khi ra mắt tại Nhật Bản với đĩa đơn đôi “Supernatural”, NewJeans đã có kế hoạch phát hành một album đầy đủ và bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới đầu tiên của họ. Tuy nhiên, xét đến tình hình hiện tại, khi Min Hee-jin không còn giám sát quá trình sản xuất của họ nữa, những kế hoạch này vẫn còn chưa chắc chắn. Tương lai của NewJeans là điều không chắc chắn nhất vào lúc này.
HYBE tiếp tục gây phẫn nộ
Phát triển từ nền móng Big Hit, sau khi BTS thành công toàn cầu, HYBE trong những năm qua chưa từng tỏ ra lép vế. Tập đoàn này “bành trướng” sức ảnh hưởng, thu mua nhiều công ty giải trí vừa và nhỏ, mở rộng quy mô tại Mỹ. Về doanh thu, HYBE vươn lên vị trí đầu bảng, lấn át cả BIG 3 SM, JYP, YG nhờ lượng nghệ sĩ hùng hậu - mà đứng đầu chính là nhóm nhạc toàn cầu BTS. Không mất đến 5 năm, HYBE trở thành tập đoàn giải trí lớn nhất Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hạnh phúc quá đỗi ngắn ngủi. Tập đoàn có dấu hiệu khủng hoảng kể từ khi BTS bước vào quãng nghỉ nhập ngũ. Đến nay có thể khẳng định, 2024 là năm khủng hoảng nhất của đế chế giải trí mới nổi. Màn đấu tố với Min Hee Jin khiến hàng loạt sự thật bị phơi bày. Không chỉ gặp vấn đề với NewJeans, HYBE còn liên tục “chọc giận" fandom các nhóm nhạc dưới trướng. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 9, tập đoàn này đã có đến 4 “phốt" khiến người hâm mộ các nhóm nhạc dưới trướng phẫn nộ.
Đầu tiên phải kể đến lịch trình dày đặc của ENHYPEN. Ngày 1/9, BELIFT LAB - công ty con quản lý ENHYPEN thông báo thời gian khởi động World Tour Walk The Line vào ngày 5/10/2024, chỉ sau đúng 1 tháng kể từ khi nhóm hoàn thành tour Fate. Điều này có nghĩa, trong vòng hơn 1 năm qua, ENHYPEN chạy tour liên tục không ngưng nghỉ. Cộng dồn vào lịch trình lưu diễn là các màn comeback.
Nhóm nam gen 4 luyện tập, trình diễn, chuẩn bị sản phẩm,... xoay vần không có thời gian “xả hơi". Các thành viên liên tục gặp chấn thương, sức khoẻ ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, fan ENHYPEN phải khởi động chiến dịch “tẩy chay concert" của chính thần tượng để phản đối lịch trình công ty đưa ra.
Hàng loạt bài đăng đòi công bằng cho ENHYPEN cho thấy sự bất bình của người hâm mộ đến HYBE. Cách làm này tuy xuất phát từ ý tốt, nhưng lại mang đến hệ quả cực đoan mà người gánh chịu đầu tiên chính là nghệ sĩ.
Ở một diễn biến khác, SEVENTEEN - nhóm nam triệu bản của Pledis cũng phải “gồng mình" với lịch tour cuối năm dày đặc từ Mỹ đến Nhật. Lịch trình trở nên gấp rút hơn bao giờ hết khi các thành viên người Hàn Quốc của SEVENTEEN dần dần phải đi nhập ngũ. SEVENTEEN đã xác nhận comeback lần 2 trong năm nay với mini album thứ 12 vào tháng 10 tới đây.
Tuy nhiên, khi ngày comeback cận kề, công ty vẫn chưa hé lộ bất kỳ thông tin nào về sản phẩm mới. Thay vào đó, đầu tháng 9, Pledis tung ra loạt card bo góc của era cũ - 17 Is Right Here nhằm “bào fan" đến nấc cuối cùng. Động thái này khiến fandom SEVENTEEN cảm thấy như bị lợi dụng. Người hâm mộ tỏ ra bất mãn, chỉ trích công ty - mà trên hết là HYBE, tập đoàn đang nắm gần như toàn quyền ở Pledis.
Ngày 5/9, HYBE "chọc giận" fan BTS. Hàng loạt fancam của thành viên V đã bị tập đoàn này đánh bản quyền, biến mất trên YouTube. Những năm qua, V tích lũy vô số fancam chục triệu, thậm chí cả trăm triệu views. Tình trạng này chỉ xảy ra với V. Nhiều fansite bị mất fancam, cực kỳ phẫn nộ vì đây hoàn toàn là công sức, kỷ niệm quý giá của người hâm mộ với thần tượng.
Mặc dù dẫn đầu về doanh thu trong số các công ty giải trí, HYBE vẫn chịu lỗ trên thị trường. Gần đây, cổ phiếu của HYBE liên tục giảm do "chuỗi bê bối". Nhiều người hâm mộ BTS đã mỉa mai rằng những khó khăn về tài chính của HYBE đã buộc họ phải tuyên bố bản quyền fancam của nghệ sĩ để "có chút tiền tiêu vặt".
Ngoài những sự cố này, HYBE thường xuyên bị các fandom chỉ trích vì sự chăm sóc nghệ sĩ kém. Các thành viên trong nhóm thường bị thương, đặc biệt là ở chân. Thiếu an ninh tại các sân bay, dẫn đến tình trạng xô đẩy ảnh hưởng đến thần tượng, là chuyện thường xuyên xảy ra.
Được mệnh danh là “Kẻ hủy diệt Kpop”
HYBE hoạt động với tôn chỉ “We believe in music" (Chúng tôi tin tưởng vào âm nhạc), nhưng xét về mọi mặt, điều này càng trở nên mỉa mai hơn khi những sự thật bắt đầu bị bóc trần. Người đứng đầu tập đoàn, “cha đẻ" BTS - chủ tịch Bang Si Hyuk hoá ra lại không tin tưởng vào âm nhạc nhiều đến thế. Sau loạt phốt vừa qua, nhiều khán giả châm biến, thực chất tôn chỉ HYBE theo đuổi là… “We believe in money" - làm tất cả vì lợi nhuận.
Bang Si Hyuk bị gọi là “kẻ huỷ diệt Kpop”. Những xu hướng “độc hại" khởi xướng từ HYBE như “sản xuất nhạc ăn liền” - ca khúc dài dưới 3 phút, nhóm nữ không chú trọng tài năng,... bị lên án mạnh mẽ. Trong phim tài liệu nói về hành trình tạo nên nhóm nữ đa quốc tịch KATSEYE, chủ tịch HYBE “rước gạch đá" vì phát ngôn “tài năng không phải yếu tố ưu tiên để tìm kiếm thần tượng, mà là thần thái ngôi sao". Từ đây, người ta hiểu rõ tại sao các nhóm nhạc nhà HYBE có chung 1 điểm yếu - kỹ năng kém. Nhất là các nhóm nhạc nữ do chính tập đoàn này bồi dưỡng.
Từ LE SSERAFIM, NewJeans cho đến ILLIT, tất cả đều bị đánh giá thấp mặt kỹ năng. Đáng nói nhất là trường hợp của LE SSERAFIM. Thảm hoạ hát live Coachella 2024 đủ để huỷ hoại hình ảnh nhóm. Đến nay LE SSERAFIM vẫn chưa lấy lại được danh tiếng, bị dân Hàn ghét bỏ, gọi là “nỗi xấu hổ quốc gia”. Trong câu chuyện này, trách nhiệm hoàn toàn đến từ công ty quản lý.
Theo đuổi giá trị ngắn hạn, tạo nên vô số vấn đề tiêu cực, HYBE nói chung và Bang Si Hyuk đang huỷ hoại Kpop. Khán giả phẫn nộ trước cách vận hành của đế chế giải trí lớn nhất Hàn Quốc, khi các nguyên tắc trong sáng tạo bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. HYBE đang trở thành “cỗ máy kiếm tiền", sản xuất thần tượng hàng loạt mà không chú trọng đến chất lượng thực sự. Mỉa mai hơn cả, đây lại là đế chế giải trí tạo nên “quốc bảo" BTS, đưa Kpop tiến gần hơn với các tiêu chuẩn và giải thưởng quốc tế.
Theo VOV