Huyền thoại một thiên đường thành Shangri-La

26/10/2023 13:02

Truyền thuyết về một vùng đất huyền ảo có tên Shangri-La từ lâu đã hấp dẫn những nhà thám hiểm nhưng chưa ai đặt chân được đến đó. Liệu đây có phải là cửa ngõ dẫn đến “thiên đường” thật sự?

"Thiên đường" ở đâu?

Nhiều câu chuyện thần thoại khác nhau xoay quanh "thiên đường trên Trái đất", nhưng tên gọi của nó phát xuất từ quyển tiểu thuyết Lost Horizon (Chân trời đã mất) của James Hilton ra đời năm 1933.

Trong tác phẩm này, nhà văn đổi tên một thiên đường ở Tây Tạng, Shambhala, thành Shangri-La. Tên và khái niệm về Shangri-La đã trở nên nổi tiếng đến mức ngày nay người ta liên hệ nó với một thiên đường đã mất, hoặc cõi thần tiên mà nhiều người vẫn đang ra sức tìm kiếm.

Những gì mà Hilton mô tả không hoàn toàn là tưởng tượng của ông, vì các chi tiết đã được vay mượn từ những câu chuyện thần thoại cổ xưa của Tây Tạng về Shambhala. Nhưng thực tế đằng sau những truyền thuyết là gì và làm thế nào người ta có thể đến được thiên đường trên Trái đất này? Địa điểm thực sự của nó ở đâu?
Một số người cho rằng nó chính là thành phố Shangri-La hiện đại ở Trung Quốc, mặc dù cái tên này mới có từ năm 2001. Những người khác thì quả quyết “thiên đường” này chính là thung lũng Hunza ở Pakistan.

Họ tin rằng Hilton từng lưu lại ốc đảo xinh đẹp này trong một thời gian ngắn và dựa vào cảnh vật ở đây để mô tả các chi tiết trong tác phẩm của ông. Tuy nhiên, theo nhiều người, Hunza chỉ có thể là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết gia chứ không phải là “thiên đường trên Trái đất”.

Theo truyền thuyết, thung lũng Shangri-La hay “vương quốc Shambhala” có nguồn gốc từ Tây Tạng, một địa điểm thiêng liêng của văn hóa và tâm linh Nam Á. Người ta tin rằng vị trí chính xác nhất của Shangri-La ở gần biên giới Ấn Độ - Tây Tạng, thuộc khu vực Arunachal Pradesh.

Nằm ẩn mình giữa dãy Himalaya hùng vĩ, được bảo vệ bởi những đỉnh cao đầy mây, vùng đất này cực kỳ quan trọng về mặt tâm linh của Ấn Độ và Tây Tạng. Không có gì ngạc nhiên khi Hilton đã chọn một phong cảnh thơ mộng như vậy làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình.

Vương quốc của hòa bình và trí tuệ

Thần thoại cổ xưa về Shambhala với những hình thái sớm nhất được ghi lại ở Ấn Độ vào năm 962 Công nguyên. Nguồn gốc của câu chuyện này từ một văn bản Phật giáo được truyền lại và lưu giữ ở Tây Tạng.

Chuyện kể rằng, có một vùng đất cao ở phía sau dãy Himalaya hùng vĩ, được ban phúc cho hòa bình và hòa hợp. Người dân nơi đây sống tách biệt với thế giới bên ngoài và không màng vật chất trần gian. Họ nắm giữ chìa khóa bí mật cổ xưa để sống lâu và những giáo lý thuần túy nhất của Phật giáo về hòa bình.

Người ta nói rằng, các nhà sư và người dân ở đây đang chờ đợi ngày thế giới mệt mỏi với bạo lực, sẵn sàng sống trong hòa bình. Chỉ khi đó, các nhà sư mới tiết lộ vị trí của “thiên đường” và danh tính thực sự của họ.

Thần thoại cũng nói rằng, “thiên đường” này được cai trị bởi một gia tộc gồm các “vị vua” khai sáng đang chờ những tệ nạn và bạo lực trên thế giới đạt đến đỉnh điểm. Đến lúc đó, họ sẽ xuất hiện với một đội quân hùng mạnh và tiêu diệt bất cứ ai thích gây chiến và tham lam.

Cho dù thế nào, huyền thoại về dãy Himalaya đang ẩn giấu một thiên đường bí mật, tách biệt và an toàn với thế giới bên ngoài, được nhiều người tin tưởng. Nơi bí ẩn này được cho là cội nguồn của mọi kiến thức, trí tuệ và hòa bình giác ngộ trên thế giới.

Ngay cả cái tên Shambhala cũng xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là địa điểm. Lấy cảm hứng từ điều này, nhiều du khách phương Tây đã cố gắng tìm kiếm vị trí thực sự của Shangri-La hoặc Shambhala, với mong muốn khám phá ý nghĩa thực sự của hòa bình và tri thức.

Làm sao để tìm thấy Shangri-La?

Những nỗ lực đầu tiên nhằm tìm kiếm Shangri-La có thể đến vào cuối những năm 1500 hoặc đầu những năm 1600, khi những vị khách phương Tây đến triều đình của Akbar đại đế của vương quốc Mughal để nghe những câu chuyện về một thiên đường huyền bí nằm ngoài dãy Himalaya.

Nhiều người tin rằng, vương quốc Shambhala phát triển mạnh mẽ dưới bóng của một ngọn núi pha lê trắng, nơi có một cung điện sừng sững bên hồ nước trong vắt.

Trong cung điện này, có nhiều nhà sư thông thái giúp nhà vua bảo vệ sự thiêng liêng của trí tuệ và hòa bình thế giới. Nhiều du khách từ cổ đại đến thời trung cổ đã cố gắng tìm đến vùng đất huyền bí Shambhala nhưng không kết quả.

Từ đó, người ta tin rằng nơi này chỉ có thể được tìm thấy bởi những người có trái tim trong sáng và đầu óc minh mẫn. Chỉ khi một người đi theo con đường tâm linh, trút bỏ tất cả tài sản vật chất và ham muốn của mình thì mới có thể tìm thấy Shangri-La.

Vị vua đầu tiên của Shambhala được cho là đã gặp Đức Phật và được giảng dạy về Kalachakra hay “Bánh xe thời gian”. Những giáo lý và sự hiểu biết cao hơn liên quan đến “Bánh xe Thời gian” sau đó được trao cho vua với mục đích che chở, bảo vệ.

Nhiều người tin rằng Shangri-La thần thoại vẫn còn lưu giữ những lời dạy về “Bánh xe thời gian”, bảo vệ các văn bản chứa đựng những điều bí mật, chống lại điều xấu xa bên ngoài. Điều này phát sinh giả thuyết Shangri-La có thể là một nơi ở thế giới khác với những sinh vật siêu nhiên khác với con người bình thường.

Một người chứng ngộ phải sử dụng con mắt tâm trí của mình để tìm thấy Shambhala trong hình dạng thật của nó. Vì ngày nay rất ít người có thể hoàn thành một hành trình khó khăn như vậy, nên Shangri-La vẫn còn chìm trong bí ẩn. Nó thực sự tồn tại? Có thể! Nhưng chúng ta có thể tiếp cận được nó hay không, theo các nhà sử học tôn giáo, điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta.

Nguồn: DV

Bài liên quan
  • Vẻ đẹp bình yên của hồ Hòa Bình
    Hồ Hòa Bình có cảnh quan sơn thủy hữu tình, lưu giữ vẻ hoang sơ tự nhiên nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình và thuộc 4 huyện gồm: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng hòa trong không gian văn hóa đa sắc màu, khu du lịch hồ Hòa Bình đã và đang trở thành một điểm đến thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khách khám phá đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, văn hóa cũng như mảnh đất, con người nơi vùng hồ Hòa Bình.
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại một thiên đường thành Shangri-La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO