Hơn 7 tỷ USD dư nợ cho vay chứng khoán và 'nghịch lý' của thị trường

25/01/2024 10:25

Dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán lập đỉnh mới trong gần 2 năm, đạt mức hơn 7 tỷ USD. Nhưng có nghịch lý, thanh khoản trên thị trường suy giảm và các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận kém hơn so với trước.

Dư nợ cho vay chứng khoán kỷ lục

Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy, đa số công ty ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong quý IV/2023. Ước tính dư nợ tăng thêm cả chục nghìn tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm lên mức 180.000 tỷ đồng (tương đương gần 7,3 tỷ USD).

Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) chiếm đa số, còn lại là cho vay ứng trước.

Đây là mức dư nợ cao nhất kể từ quý II/2022 sau khi chỉ số VN-Index lập đỉnh vào đầu năm rồi lao dốc mạnh.

Hơn 7 tỷ USD là con số tuyệt đối. Nếu tính theo tỷ lệ dư nợ cho vay của các CTCK so với vốn hóa của sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) thì đây là kỷ lục mới.

Thời điểm hiện tại, dù thị trường đã hồi phục khá và chỉ số VN-Index trên 1.170 điểm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao trên 1.520 điểm ghi nhận hồi đầu năm 2022. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán cũng giảm khoảng 25% và chỉ còn hơn 240 tỷ USD, so với mức 320 tỷ USD thời kỳ đỉnh cao.

Theo ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt, sở dĩ dư nợ cho vay của các CTCK gia tăng là bởi nhiều nhà đầu tư đã quay lại thị trường sau thời gian tạm ngừng giao dịch.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng ở mức thấp trong khi nền kinh tế gặp khó khăn trong việc khơi thông dòng vốn đầu tư. Do vậy, dòng tiền thông minh sẽ chọn kênh đầu tư có thanh khoản cao hơn. Điều này càng được củng cố khi thị trường bất động sản trầm lắng.

Trên thực tế, cuối năm 2023, hệ thống ngân hàng chứng kiến tình trạng dư thừa vốn, không cho vay được. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải thừa nhận tình trạng ế vốn, bơm tiền ra nhưng nền kinh tế không thẩm thấu được.

Thống kê của NHNN cho thấy, tín dụng tăng trưởng chậm trong phần lớn thời gian của năm. Tới cuối tháng 11, tăng trưởng mới hơn 9%. Trên thị trường liên ngân hàng, tình trạng thanh khoản của hệ cũng cho thấy rõ điều này với lãi suất vay qua đêm ở vùng thấp kỷ lục, chỉ quanh quẩn mức 0,15-0,2%/năm.

chungkhoanhh39 okok.jpg
TTCK ghi nhận một lượng tiền lớn đổ vào, tuy nhiên thanh khoản còn thấp. (Ảnh: HH)

Tín dụng chỉ bứt phá trong tháng 12, qua đó kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lên 13,71%, thấp hơn chút so với mục tiêu 14-15%.

Trên thị trường mở, trong phần lớn thời gian của năm, NHNN không phải sử dụng đến hoạt động bơm tiền. Ngược lại, có những khoảng thời gian như hồi tháng 9 đến đầu tháng 11, NHNN liên tục hút tiền về.

Hệ thống ngân hàng cũng chứng kiến nghịch lý, dòng tiền nhàn rỗi ồ ạt vào các tổ chức tín dụng bất chấp lãi suất giảm liên tục. Huy động vốn toàn hệ thống tăng nhanh hơn cho vay. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng, 5,8% so với 5,73%.

Nhen nhóm niềm tin vào thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp và áp lực đẩy vốn ra nền kinh tế rất lớn, trong khi kênh hấp thụ vốn lớn là bất động sản trầm lắng thì dòng tiền có thể tìm đến kênh chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, với lãi suất thấp như hiện tại, họ sẵn sàng vay margin để tìm kiếm cơ hội ở một số mã cổ phiếu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công và sản xuất tiêu dùng có giá hấp dẫn. Điều quan trọng, theo họ, cổ phiếu sẽ không giảm sâu và độ an toàn khi vay margin là cao. Cho dù cổ phiếu đi ngang, chi phí lãi cũng không nhiều. Chỉ cần cổ phiếu bật lên họ có thể lãi lớn.

Một số chuyên gia tin rằng, dư nợ cho vay của các CTCK có thể còn gia tăng trong thời gian tới khi lãi suất chưa có tín hiệu tăng trở lại. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% với mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Mặc dù dư nợ cho vay chứng khoán vào cuối năm 2023 tăng mạnh nhưng có nghịch lý là, thanh khoản trên thị trường suy giảm và các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận kém hơn so với trước.

Theo các chuyên gia, dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán tăng mạnh nhưng có thể tiền không được đưa vào mua cổ phiếu, do vậy thanh khoản thấp và lợi nhuận các CTCK suy giảm. Có khả năng một số doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu để vay tiền cho các mục đích khác, chẳng hạn như trả gốc lãi trái phiếu, tất toán trái phiếu trước hạn hoặc/và đầu tư cho các dự án đình trệ.

Trong quá khứ, hiện tượng này đã xảy ra hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Đến nay, có thể còn những hoạt động như vậy trong bối cảnh tổng giá trị trái phiếu đến hạn (đặc biệt của nhóm bất động sản) trong năm 2024 còn lớn.

Dù vậy, tình hình sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp đã bớt căng thẳng rất nhiều. Theo HNX, trong năm 2023, có 35 công ty bất động sản đã trả dứt điểm nợ vay từ trái phiếu, với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng.

Về hiện tượng thanh khoản thấp, một phần do hoạt động mua đi bán lại, lướt sóng của các NĐT giảm bớt. Các cơ quan quản lý tăng cường giám sát và xử phạt những sai phạm về thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán.

Việc các CTCK ghi nhận lợi nhuận trong quý IV/2023 suy giảm khá mạnh so với quý III, nhiều khả năng do thanh khoản thấp và do các doanh nghiệp này thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Nhiều CTCK tham gia vào cuộc đua zero free, giảm phí môi giới cho các NĐT.

Cũng có ý kiến cho rằng, không loại trừ yếu tố xử lý kỹ thuật trên báo cáo tài chính của một số CTCK.

Dù theo hướng nào, TTCK đang trong tình cảnh chứng kiến dòng tiền quay trở lại và có thể sẽ hút một tiền lớn hơn nữa, cũng như có cơ hội tăng.

Bài liên quan
  • Ôm chục nghìn tỷ chờ ngày chứng khoán bùng nổ
    Dòng tiền trị giá nhiều tỷ USD - cao kỷ lục trong vòng 2 năm - nằm chờ trên tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán, đợi thị trường có tín hiệu để mua thay vì rút tiền đưa đi kênh đầu tư khác. Sắp tới thanh khoản có bùng nổ?
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hơn 7 tỷ USD dư nợ cho vay chứng khoán và 'nghịch lý' của thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO