Do chở theo vợ và 2 con nhỏ nên đến đoạn nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), anh Thành buộc phải lái xe ra hướng quốc lộ 1 để đổ xăng, cho xe dừng nghỉ, gia đình đi vệ sinh; sau đó mới vòng lại vào cao tốc để về TPHCM.
Chưa có trạm dừng nghỉ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trường hợp của anh Thành là một trong nhiều câu chuyện "dở khóc" của cánh tài xế khi đi trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây mới đưa vào vận hành.
Tài xế Lê Văn Lưu, lái xe du lịch tuyến Phan Rang - TPHCM, chia sẻ xe du lịch đi từ Vĩnh Hảo chạy thẳng vào TPHCM thì phải đến Long Thành mới có trạm dừng nghỉ nên thường đi ngang Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) phải vòng ra TP Phan Thiết để khách nghỉ ngơi, xe đi đổ xăng. Mỗi lần đi vòng vào TP Phan Thiết rất mất thời gian.
Theo ghi nhận dọc tuyến cao tốc, nhiều ô tô gia đình thường đậu xe ở làn dừng khẩn cấp để gia đình đi vệ sinh, tài xế nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. "Hai tuyến cao tốc mới giúp chúng tôi đi từ Phan Rang vào TPHCM rất nhanh nhưng việc không có điểm dừng nghỉ rất bất tiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông", tài xế Lưu chia sẻ.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư 41 trạm dừng nghỉ. Đến nay, có 6 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành đưa vào khai thác; 3 trạm đang đầu tư, còn lại 32 trạm chưa đầu tư (trong đó một số trạm đã giải phóng mặt bằng, một số trạm chưa giải phóng xong).
Việc đoạn đường dài hơn 300km từ TPHCM - Vĩnh Hảo chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại Km 41 ở huyện Long Thành (Đồng Nai) khiến cho những ngày cao điểm cuối tuần xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều du khách phải xếp hàng đợi 30 phút mới đến lượt đi vệ sinh.
Chị Phạm Thị Ánh Hồng (ngụ TPHCM) cho biết, tuần trước cả nhà đi Mũi Né nghỉ dưỡng. Đoạn đường từ TPHCM - Phan Thiết hơn 150km chỉ có một trạm dừng nghỉ nên cả nhà ghé vào đi vệ sinh, tài xế nghỉ ngơi. "Do cả đoạn cao tốc có duy nhất một trạm dừng nghỉ, khách du lịch cuối tuần rất đông nên tại khu vệ sinh tôi phải đợi gần 30 phút mới đến lượt. Rất bất tiện", chị Hồng cho biết.
Một năm nữa mới có trạm dừng nghỉ
Dù việc thiếu trạm dừng nghỉ đang cấp bách, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân tuy nhiên theo cơ quan chức năng phải nhanh nhất một năm nữa mới có trạm dừng nghỉ mới trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết, đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ. Dự kiến đến quý 1/2024 mới khởi công xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Trạm dừng nghỉ sẽ có các hạng mục chính như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, trạm xăng và khu nghỉ ngơi…
"Lái xe trên tuyến cao tốc dài, tốc độ cao không tránh được những lúc mệt mỏi, hay phương tiện di chuyển gặp vấn đề. Vì thế, rất mong ngành chức năng nhanh chóng có giải pháp phù hợp để sớm xây dựng các trạm dừng nghỉ", tài xế Phan Văn Quân (ngụ TPHCM) mong muốn.
Cũng theo ông Thái, theo quy hoạch, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư trạm dừng nghỉ cả 2 chiều, mỗi bên có diện tích khoảng 2ha. Trạm được đặt tại Km47+500, thuộc địa phận xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), giáp ranh với Đồng Nai. Mới đây, Ban quản lý dự án mới đưa vào khai thác thêm 4 nút giao quan trọng ở hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận.
Tương tự ông Phạm Quốc Huy, giám đốc quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ thiết kế và hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ. Dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn tất hồ sơ để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2024 sẽ triển khai xây dựng.
Trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 2 điểm triển khai trạm dừng nghỉ tại Km 144+560 xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và Km 205+602 xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Mỗi vị trí có 2 trạm đối xứng nhau ở hai hướng.
Như vậy, sớm nhất cũng phải một năm sau mới có các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc dài 200km. Đây là một quãng thời gian không ngắn cho một hành trình dài trên tuyến cao tốc. Áp lực trước hết là đối với giới tài xế do phải lái xe với một khoảng thời gian khá dài, khả năng mất tự chủ, mệt mỏi hay ngủ gật… là điều có thể xảy ra.
Đối với hành khách, những nhu cầu cá nhân là hết sức cần thiết khi phải di chuyển trên một đoạn đường dài. Chưa hết, nếu một khả năng bất khả kháng xảy ra đối với xe, như hết xăng/dầu, nổ lốp… thì tài xế sẽ rất khó khăn để xoay xở.
Từ 50km - 60km phải có trạm dừng nghỉ
Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 50km đến 60km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng từ 120km đến 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).