Nhờ ‘phủ xanh’ khắp các mặt trận chuyển đổi số và phát huy hiệu quả, Zalo OA của các cơ quan Nhà nước đã có hơn 57 triệu lượt quan tâm của người dùng. Hơn nữa, đã có 1,6 tỷ lượt tương tác giữa người dân và chính quyền trên mô hình này.
15.394 Zalo OA là con số rất cao nếu so sánh với 10.598 xã phường trên cả nước, cho thấy nỗ lực của các CQNN khi tiện ích công nghệ này được phát triển và len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống của người dân.
Năm 2023 tiếp tục có thêm hơn 1.000 tài khoản Zalo của các đơn vị Công an, nâng tổng số tài khoản chính thức của các đơn vị Công an trên cả nước lên đến 6.302 OA, từ tỉnh/thành phố đến tận xã phường, thôn bản xa xôi.
Bằng việc khai thác các tiện ích sẵn có của Zalo OA, ngành Công an đã tích hợp các tính năng như truy vấn, trả lời tự động (chatbot) để người dân được giải đáp các vấn đề được quan tâm như thông báo thời gian, thủ tục cấp CCCD, đăng ký phương tiện, quản lý cư trú, PCCC... giúp việc tìm hiểu thông tin dễ dàng, chủ động hơn.
Không chỉ là công cụ cải cách thủ tục hành chính, mô hình Zalo An ninh còn là cầu nối, giúp người dân và lực lượng Công an phối hợp ăn ý, cùng chung tay giữ gìn trật tự ATGT, an ninh đô thị.
Điển hình có thể kể đến trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”. Chỉ trong 3 tháng vận động toàn dân cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự ATGT (từ tháng 9/2023 đến nay), trang Zalo này đã nhận được 4.562 tin nhắn về tình hình giao thông, phản ánh các vi phạm ATGT. Trong đó, rất nhiều thông tin có giá trị như xe khách “rùa bò” đón trả khách sai quy định, phương tiện đi ngược chiều, quá tốc độ,... đã được CSGT Hà Nội tiếp nhận và xử lý.
Có thể thấy, khi lực lượng chức năng không thể túc trực 24/24 trên đường và còn nhiều tuyến, địa bàn chưa được lắp camera phạt nguội thì những thông tin cụ thể, hình ảnh rõ ràng của người dân qua Zalo chính là bằng chứng để các phương tiện vi phạm “tâm phục, khẩu phục”.
Gần gũi với người dân, hiện đại với chính quyền, Zalo OA trong năm 2023 đã góp phần giúp các cơ quan nhà nước cấp Bộ và Trung ương nâng cao hiệu quả hoạt động.
Zalo OA được các CQNN sử dụng như một kênh để tiếp nhận phản ánh - kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đây được xem là cách làm rất tốt khi người dân chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể gửi phản ánh, kiến nghị nhanh chóng, không cần lo kiến nghị không được tiếp nhận hay việc xử lý tốn kém thời gian.
Cuối tháng 3/2023, Bộ Nội vụ chính thức ra mắt kênh thông tin, tuyên truyền các hoạt động trên nền tảng Zalo sau 3 tháng triển khai thử nghiệm. Đây là kênh truyền thông duy nhất của Bộ Nội vụ trên nền tảng công nghệ Zalo nhằm thông tin, truyền thông sâu rộng kịp thời về thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực Nội vụ. Qua đó, các hoạt động của Bộ Nội vụ trong quá trình tham mưu, xây dựng chính sách, cải cách hành chính và tình hình triển khai, kết quả cải cách công vụ, công chức, chuyển đổi số được lan tỏa.
Zalo OA trong năm 2023 còn ghi nhận sự tích cực của các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh. Tiêu biểu, mô hình Zalo tuổi trẻ đã được 15 tỉnh thành triển khai, gồm các tỉnh Kiên Giang, Bắc Ninh, Sơn La, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Tây Ninh, Hải Phòng. Bên cạnh đó còn có mô hình Zalo OA của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, những cơ quan này đã triển khai Zalo OA đồng loạt cho 100% đơn vị cấp cơ sở.
Mô hình OA của Zalo ngày càng được các CQNN khai thác triệt để hiệu quả vào việc xây dựng các tiện ích gắn liền với đời sống của người dân trong mọi lĩnh vực.
Năm 2023, Zalo OA lần đầu tiên được ngành Giáo dục sử dụng thành một kênh chính thức để tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh đầu vào các cấp học (bên cạnh các kênh truyền thống). Sở GDĐT Phú Yên và Sở GDĐT Hà Giang là 2 đơn vị tiên phong áp dụng hình thức này. Với cách thực hiện đơn giản, nhanh chóng, không tốn công sức và thời gian so với cách làm truyền thống, đem lại sự chủ động và linh hoạt cho phía thí sinh, cách làm này nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ phía PHHS.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, các tỉnh thành như Kiên Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Giang, Lạng Sơn… đều triển khai hình thức tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT trên Zalo, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác. Hàng chục nghìn thí sinh, phụ huynh học sinh đã tra cứu điểm thi trên Zalo thuận lợi, tránh tình trạng các hệ thống bị nghẽn mạng vì số lượng người truy cập lớn.
Mô hình Zalo OA còn được ứng dụng để bám sát từng biến động đối với đời sống người dân, nhất là khi thiên tai xảy ra. Hơn 37 triệu là số lượng tin nhắn khẩn mà trang Zalo “Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai” gửi đến người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm qua. Đây là những thông tin nhanh nhất, cập nhật diễn biến, cách ứng phó... được gửi trực tiếp đến Zalo của người dân. Giữa bối cảnh thiên tai bất thường, khó dự đoán, những tin báo được gửi tận tay qua Zalo OA chính là thông tin quý giá giúp người dân có phương án ứng phó kịp thời.
15.000 tài khoản chính thức trên nền tảng Zalo, 57 triệu lượt quan tâm của người dân, cùng 1,6 tỷ tương tác đã cho thấy chính quyền đang dần gặt hái những thành quả từ nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, phục vụ người dân. Việc ứng dụng các nền tảng “Make in Việt Nam” quen thuộc là giải pháp chuyển đổi số quan trọng, giúp chính quyền được gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, giải quyết kịp thời những vấn đề gắn liền với đời sống dân sinh và xã hội.