Hơn 10 trẻ nguy kịch trong tuần, Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh tay chân miệng

22/06/2023 11:23

Hơn 9.000 ca mắc, 4 người tử vong và liên tiếp những ca bệnh tay chân miệng trở nặng được ghi nhận ở phía Nam. Lãnh đạo Bộ Y tế dự kiến sẽ có mặt ở TP.HCM trong ngày 22/6 để kiểm tra tình hình.

Trao đổi với VietNamNet, Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết chỉ trong 1 tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 10 trẻ nặng và nguy kịch vì tay chân miệng. Các bé phải thở máy, dùng thuốc vận mạch trợ tim, mắc bệnh tay chân miệng độ 3, 4.

Trong đó, bé T.T.A, 14 tháng tuổi tại Thừa Thiên Huế nhập viện vì giật mình chới với sau 6 ngày bệnh. Bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng nặng độ 2B, điều trị với thuốc IVIG và phenobarbital nhưng diễn tiến nhanh đến suy hô hấp, ngưng thở.

Trẻ được đặt nội khí quản và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực chống độc để thở máy. Tại đây, trẻ truỵ tim mạch, tính mạng bị đe doạ. Các bác sĩ quyết định tiến hành lọc máu cấp cứu trong 48 giờ.

Đến nay, trẻ cải thiện tốt, sinh hiệu và chức năng các cơ quan ổn định. Trẻ được ngưng lọc máu, cai máy thở, tỉnh táo.

Trẻ mắc tay chân miệng nặng với nhiều biến chứng. Ảnh: Nguyễn Huế

Thời điểm hiện tại, TP.HCM đã lên 3 kịch bản ứng phó với diễn biến dịch tay chân miệng đang có chiều hướng phức tạp, trẻ mắc bệnh nặng dồn lên từ các tỉnh thành. Số ca mắc tay chân miệng toàn miền Nam lúc này đã hơn 9.000 ca với 4 ca tử vong. Một số nơi khan hiếm thuốc điều trị tay chân miệng nặng.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế dự kiến sẽ thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch tại TP.HCM trong ngày mai (22/6). Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn, dự kiến giám sát một trường mầm non, một cụm dân cư và Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ngày 23/6, đoàn công tác Bộ Y tế sẽ làm việc cùng UBND TP.

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng đã chính thức vào mùa, đặc biệt sự xuất hiện của EV71 là tác nhân thường gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Do đó, trẻ mắc bệnh cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu nặng cần chú ý gồm: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run tay chân, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu trên, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời.

Đối với các bệnh nhi có triệu chứng loét họng, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.

Linh Giao

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hơn 10 trẻ nguy kịch trong tuần, Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO