Theo cảnh báo từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày càng xuất hiện nhiều hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm giả biên lai chuyển khoản nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ với một số từ khóa đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục hội nhóm hỗ trợ làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng trên mạng xã hội Facebook. Đáng nói, những hội nhóm này đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Trong những hội nhóm này, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt ngân hàng khác nhau.
Các đối tượng còn tạo một số trang web giả mạo hay lợi dụng sự tiện lợi và phổ biến của mã QR để thực hiện hành vi lừa đảo. Các biên lai chuyển khoản có giao diện rất khó phân biệt với đầy đủ thông tin và phông chữ giống thật, dễ gây nhầm lẫn nếu chỉ nhìn qua.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là khi thực hiện thanh toán một đơn hàng, kẻ gian sẽ đề nghị trả tiền thông qua hình thức chuyển khoản Internet Banking cho người bán. Tuy nhiên, chúng sẽ không thực hiện việc chuyển tiền.
Thay vào đó, những đối tượng này sẽ sử dụng một số phần mềm hoặc trang web chuyên dụng để làm giả biên lai chuyển khoản. Tiếp theo, kẻ gian sẽ dùng hình ảnh giả mạo trên để chứng minh bản thân đã thực hiện việc chuyển tiền và yêu cầu giao hàng gấp.
Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho biết người dân cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
"Với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản ngay khi thực hiện chuyển khoản 24/7.
Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công", Cục An toàn thông tin cảnh báo.
Người dân cũng đặc biệt lưu ý không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực một lần (OTP), email… cho bất kỳ đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện có rất nhiều ứng dụng và trang web khác nhau hỗ trợ việc làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng. Thậm chí, người dùng có thể làm giả biên lai của nhiều ngân hàng khác nhau với mức giá chỉ 20.000 đồng mỗi lần.
Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo với các chiêu trò khác nhau. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác, tránh bị sập bẫy của kẻ gian.