Chưa thực sự chú trọng công tác tiêm chủng
Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của vaccine trong việc giúp kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Không chỉ vaccine COVID-19 nói riêng, các loại vaccine khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đã góp phần giúp ngành y thanh toán nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều cá nhân và gia đình vẫn chưa thực sự chú trọng công tác tiêm chúng vaccine.
Theo PGS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trước nay, một bộ phận người dân vẫn thường nghĩ rằng vaccine chỉ cần tiêm trong năm đầu tiên cuộc đời. Vì vậy, ngoài 1 tuổi, sau khi đã hoàn thành các mũi tiêm, phụ huynh cũng quên và thậm chí không biết cần phải tiêm thêm vaccine gì cho trẻ.
Nhiều trường hợp khi được hỏi trong quá khứ đã tiêm vaccine gì cho con thì câu trả lời nhận được là không có, không nhớ và không chắc lắm. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều trẻ em đã bị bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
“Vaccine không phải câu chuyện của riêng trẻ em mà thật sự cần thiết ở mọi độ tuổi, từ tiền học đường cho tới người lớn, người già. Ở mỗi lứa tuổi, mỗi nghề nghiệp và lối sống sẽ có những loại vaccine chuyên dụng khác nhau.
Theo tôi, nhờ đại dịch COVID-19, người dân mới biết nhiều hơn đến vaccine và nắm được tác dụng to lớn của việc tiêm vaccine. Khi hiểu được vai trò quan trọng của vaccine, người dân nên quan tâm đến lịch tiêm, mũi tiêm của con cái cũng như của chính bản thân mình để không bỏ bất kỳ lỡ cơ hội tiêm chủng nào” - PGS.BS Phạm Quang Thái cho biết.
Xoá bỏ tâm lý bài trừ vaccine
Bàn về vấn đề ngăn ngừa tâm lý bài trừ vaccine, PGS.BS Phạm Quang Thái cho rằng, nếu không có các biện pháp hiệu quả thì rất dễ làm mất đi thành quả của công tác tiêm chủng mà chúng ta đã thực hiện tốt nhiều năm qua.
“Có 2 nhóm đối tượng có thể tác động lớn đến việc người dân đi tiêm cần được lưu ý. Thứ nhất là giáo viên. Trong hệ thống giáo dục, chúng ta truyền thông tích cực để bản thân con em của chúng ta nắm được quyền lợi và lợi ích của việc tiêm vaccine, sau các em có thể đem thông điệp về nhà và truyền tải lại cho gia đình.
Thứ hai là các bác sĩ lâm sàng. Hàng ngày hàng giờ, họ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, trong đó có rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý nền. Các y bác sĩ cần phải tư vấn cho người bệnh đi tiêm đầy đủ các mũi tiêm chủng, tránh bị tăng nặng do bệnh nhiễm khuẩn.
Về phía ngành y tế cũng như các ban ngành khác cần có trách nhiệm truyền tải thông tin chính thống và chính xác đến người dân, để người dân có thể hiểu sâu sắc hơn về vai trò của vaccine. Hệ thống theo dõi mũi tiềm cần được thực hành hiệu quả, giúp người dân dễ dàng kiểm tra lịch sử tiêm, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
Nếu áp dụng hiệu quả các hình thức trên sẽ giúp tỉ lệ tiêm chủng tại Việt Nam được đảm bảo ở mức độ cao” - PGS.BS Phạm Quang Thái cho biết.
Cùng quan điểm với BS Thái, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, vaccine là một loại thuốc đặc biệt, để sản xuất 1 loại vaccine thông thường phải mất từ 3-5 năm, thậm chí có loại lên tới 10 năm. Sau sản xuất, vaccine còn được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Hầu hết các vaccine đều có phản ứng phụ nhưng ở mức thấp. Vì vậy người dân nên yên tâm đi tiêm chủng.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, tiêm chủng mở rộng hiện đã trở thành nhu cầu của người dân. Những người làm về chính sách, quản lý cần xem xét mọi khía cạnh để tiến tới triển khai vấn đề tiêm chủng, dù là tiêm chủng miễn phí hay tiêm chủng dịch vụ.
Tiếp đó phải thực hiện tốt công tác truyền thông, để người dân tiếp cận và tiêm phòng được càng nhiều vaccine càng tốt. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý để một số yếu tố xã hội như giải thích, phản bác các nội dung tiêu cực và bài trừ vaccine hay có kế hoạch đầu tư về kinh phí cho những người nghèo, không đủ điều kiện tiếp cận với vaccine.
"Quan điểm là làm sao có càng nhiều dịch vụ đến với người dân, để người dân tiếp cận đủ với các loại vaccine một cách đúng lịch và để việc tiêm chủng được diễn ra an toàn và hiệu quả” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.