Ngày 30/7, đơn vị thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã tiến hành tô quét lại phần thành cầu của di tích. Trước đó, thành cầu sau khi trùng tu đã được quét lên một lớp vôi màu trắng.
Tuy nhiên, dư luận có ý kiến trái chiều cho rằng màu trắng đã làm nổi bật, khiến cho di tích Chùa Cầu trở nên "mới mẻ" hơn.
Theo ghi nhận, sau khi quét lên một lớp vôi màu nhụ, phần thành cầu của di tích Chùa Cầu đã trở nên sẫm màu hơn, vơi đi cảm giác tươi mới hơn so với trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, phần thành cầu của di tích Chùa Cầu trước khi trùng tu bị bong tróc, dặm vá nhiều. Trong quá trình trùng tu, Hội An đã quét vôi màu trắng như màu gốc của di tích. Tuy nhiên, trước góp ý của dư luận, TP Hội An thấy cần thiết điều chỉnh lại nên tiến hành quét một lớp vôi màu nhụ cho thành cầu sẫm lại.
Trước đó, như đã thông tin, sau hơn 1,5 năm tiến hành tu bổ theo phương thức hạ giải toàn bộ di tích Chùa Cầu, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thiện.
Nhiều ngày qua, khi hình ảnh Chùa Cầu lộ diện, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng phần thân Chùa Cầu được sơn quét mới làm cho di tích trở nên hơi khác lạ, hiện đại hơn so với trước đây.
Trước ý kiến của dư luận, lãnh đạo TP Hội An đã lên tiếng giải thích về quá trình trùng tu di tích trên. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đánh giá cao quá trình Hội An trùng tu di tích Chùa Cầu, cho rằng việc trùng tu đã mang lại kết quả rất tốt đẹp.
Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý thực hiện; có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng.
Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.
Dự án khởi công vào ngày 28-12/2022, dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, quá trình tu bổ gặp một số trở ngại, có thời điểm phải gián đoạn để tham vấn ý kiến chuyên gia. Vì vậy, dự án đến nay mới cơ bản hoàn thiện.
Dự kiến, chiều 3/8, TP Hội An sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình.