Năm nay con trai chị Thu Hằng (quận Đống Đa, Hà Nội) thi tốt nghiệp THPT. Những ngày gần đây, thông tin trên báo chí về việc theo hướng tăng cường vận dụng thực tiễn khiến cậu lo lắng.
"Chúng em mong sớm có đề thi minh họa để định hướng ôn tập. Hiện tại một số môn học chúng em vẫn đang học theo chương trình, một số môn đã đẩy nhanh tiến độ học và bắt đầu bước vào quá trình ôn luyện.
Còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu có đề minh họa để luyện đề từ sớm, chúng em sẽ chủ động và dần quen với các dạng câu hỏi", con trai chị Hằng nói.
Nguyễn Anh Đức, học sinh ở Thái Bình cho hay, hiện tại các em chủ yếu đang học kiến thức trong chương trình sách giáo khoa.
"So sánh đề thi năm ngoái với những năm trước, em đã thấy một số thay đổi.
Vậy nên chúng em mong sớm có đề thi minh họa để làm quen".
Theo thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên luyện thi tại Hà Nội, có đề thi minh họa sớm hay muộn không quá quan trọng nếu học sinh nắm chắc kiến thức phổ thông.
Việc năm nào cũng ra đề minh họa khiến cho một bộ phận không nhỏ giáo viên, học sinh trông chờ.
"Đề minh họa chỉ cần thiết khi kì thi thay đổi, còn một khi đã ổn định, việc ra đề minh họa không cần thiết, thậm chí phản tác dụng bởi nó thể hiện rõ tinh thần thụ động, học gì thi nấy.
Một bộ phận học sinh mong chờ đề thi minh họa là do các em đã quen với cách học cũ kiểu thụ động nên một khi có yếu tố tư duy thì lo sợ", thầy Hiền nói.
Cũng theo thầy giáo này, năm ngoái đề thi tốt nghiệp THPT đã có yếu tố thực tiễn. Năm nay, nếu có thêm yếu tố này cũng chỉ tăng thêm chứ không phải hoàn toàn mới.
Chẳng hạn, năm ngoái nhiều môn khoa học đã giảm tính toán, đưa câu hỏi lý thuyết nhiều hơn.
Đặc biệt, lý thuyết được đưa ra dưới dạng kết quả thực hành nghiên cứu, học sinh phải phân tích kết quả. Do học sinh từ trước đến nay chỉ tập trung học thụ động, tập trung lý thuyết và không để ý thực hành nên bỡ ngỡ.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 6/2, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, thông thường khoảng 31/3 hàng năm, Bộ GD&ĐT mới công bố đề thi minh họa.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này nên học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, không nên lo lắng.
Theo Bộ GD&ĐT, để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt Kỳ thi.
Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi.
Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ, các địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.