Học sinh Hà Nội tăng tốc ôn thi vào lớp 10 giai đoạn 'nước rút'

14/06/2022 16:42

Chỉ còn 3 ngày nữa, gần 107.000 học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT. Hiện tại nhiều học sinh đang tranh thủ ôn thi 'nước rút' với hi vọng đạt kết quả tốt nhất.

Lịch thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay như sau: Sáng 18/6, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn (120 phút), chiều làm bài thi môn Ngoại ngữ (60 phút); sáng 19/6, làm bài thi môn Toán (120 phút).

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, địa phương đã chuẩn bị 203 điểm thi đặt tại các trường THPT và THCS. Công tác tổ chức, rà soát cơ sở vật chất cho kỳ thi đang được gấp rút triển khai.

Thành phố dự kiến sẽ có 4.550 phòng thi. Địa phương điều động khoảng 14.000 cán bộ trực tiếp tham gia coi thi; số cán bộ tham gia phục vụ, bảo vệ điểm thi là khoảng 3.000 người; số cán bộ tham gia chấm thi là khoảng 2.500 người.

Các điểm thi đều có tối đa 2 phòng thi dự phòng theo quy định để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Điểm thi có nhiều phòng thi nhất là Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với 48 phòng; tiếp theo là THPT chuyên Nguyễn Huệ (40 phòng), THPT Ngọc Tảo (40 phòng), THPT Chu Văn An (39 phòng), THPT Quốc Oai (38 phòng), THPT Nguyễn Du Thanh Oai (36 phòng)...

Học sinh Hà Nội tăng tốc ôn thi vào lớp 10 giai đoạn “nước rút”
Ảnh minh họa

Con đăng ký vào Trường THPT Cầu Giấy có tỷ lệ chọi nằm trong top 3 nên chị Nguyễn Thanh Mai (Hà Nội) hết sức lo lắng. Chị cho biết con mình ngoài việc học suốt tuần ở trung tâm luyện thi thì buổi tối vẫn tranh thủ làm thêm các đề thi để luyện kỹ năng tâm lý phòng thi.

“Do đã sát ngày thi, có hôm con bé học đến 2h sáng. Tôi thấy đèn vẫn sáng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi khuyên con đi ngủ sớm và mai học tiếp. Tôi cũng biết thời điểm này các con còn áp lực hơn mình nên tôi cố gắng động viên con cố gắng hết sức, còn nếu không được thì sẽ tính phương án khác.

Hơn ai hết tôi thấu hiểu kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nay rất quan trọng với con nên sẽ luôn ở bên động viên và đồng hành cùng con”, chị Mai nói.

Suốt những ngày này, em Nguyễn Linh Đan - học sinh trường THCS Cầu Giấy phải phân chia thời gian cụ thể ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Thường thì sau buổi sáng học Văn, buổi chiều Linh Đan dành thời gian làm bài và luyện thi ở trung tâm, còn buổi tối học môn Toán.

“Nguyện vọng của em là thi vào trường THPT Cầu Giấy là trường tốp đầu của Hà Nội nên phải cố gắng thật nhiều mới đạt được nguyện vọng.

Em cũng có chút hơi lo vì sau khi công bố tỷ lệ chọi thì em THPT Cầu Giấy có tỷ lệ chọi khá cao. Năm nay cũng là năm đông học sinh dự thi nữa nên em luôn dặn mình là phải cố gắng ôn tập một cách kỹ càng hơn và không được phép có sai sót trong quá trình làm bài thi", em Linh Đan nói.

Cánh cửa hẹp vào lớp 10 công lập?

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, địa phương này có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021.

Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục.

Như vậy, so với năm trước, số chỉ tiêu vào trường công lập đã tăng thêm 10.000 học sinh, nhưng năm nay sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh trượt trường công lập.

Nếu so với tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại Hà Nội thì có đến 52.000 học sinh không tiếp tục học THPT công lập.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong số này, dự kiến sẽ có khoảng 27.000 học sinh sẽ vào học lớp 10 các trường ngoài công lập; khoảng 12.900 học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội luôn được ví căng thẳng hơn thi đại học. Cánh cổng trường công vốn hẹp, tỷ lệ chọi từ áp lực "heo vàng" càng khắc nghiệt hơn khi dự báo có hàng nghìn đứa trẻ không vào được trường công phải tìm lối đi khác.

Kỳ thi có người đậu, người rớt. Đối với những thí sinh không đỗ vào công lập, các em có thể chọn học nghề hoặc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đánh giá, hiện nay nội dung chương trình của trường nghề không có sự khác biệt so với chương trình tại các trường công lập.

Nhiều trung tâm cũng đã có sự thay đổi, nâng cấp phương pháp giáo dục đào tạo, để đảm bảo các em học tại trung tâm không bị chênh kiến thức so với các học sinh trường công lập.

Kết thúc chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh chính quy, bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo.

Hoàng Thanh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học sinh Hà Nội tăng tốc ôn thi vào lớp 10 giai đoạn 'nước rút'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO