Học giả châu Âu chia sẻ góc nhìn về Biển Đông

Chu Văn| 11/06/2023 14:32

Ngày 10/6, tại thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam" với sự tham dự của đông đảo học giả và những người yêu biển đảo Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại hội thảo Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn của các học giả châu Âu. (Nguồn: TTXVN)
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại hội thảo Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn của các học giả châu Âu. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp này, một cuộc gặp gỡ giữa những kiều bào từng đi thăm Trường Sa đã được tổ chức cùng với triển lãm ảnh và hiện vật về quần đảo này.

Chia sẻ về ý nghĩa và mục đích tổ chức sự kiện, bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam cho biết: "Hội thảo lần này là dịp thu thập tài liệu, cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông thời gian qua.

Thông qua hội thảo, những anh chị em Việt kiều đã đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, cũng như những người yêu biển đảo Việt Nam có cơ hội kết nối với nhau, cùng nhau tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo Việt Nam. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là hoạt động thường niên của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam".

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao nỗ lực của các cá nhân và hội đoàn cùng đóng góp để tổ chức hội thảo. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào tại châu Âu, thể hiện tình cảm và sự gắn bó của kiều bào với quê hương, đất nước, và cả với những chủ đề lớn của quốc gia, dân tộc.

Được tổ chức theo sáng kiến của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, hội thảo đã nhận được 14 tham luận của các học giả, là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, Biển Đông, các nhà kinh tế học, nhà giáo dục, từ các nước châu Âu (Ba Lan, Đức, Pháp, Italy, Czech và Ukraine), Canada và Việt Nam.

Các tham luận đã đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam, xét trên các góc độ lịch sử, văn hóa, chính trị và pháp lý. Tình hình trên Biển Đông, những giải pháp để xử lý tranh chấp và những phương án phát triển kinh tế biển cũng được các diễn giả đề cập. Không chỉ lắng nghe những bài thuyết trình có giá trị khoa học, các đại biểu còn cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề đặt ra qua các bài tham luận.

Chia sẻ góc nhìn của mình đối với vấn đề Biển Đông và các quần đảo Việt Nam, ông Patrice Jorland, Giáo sư Sử học, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt cho biết, xét theo luật biển quốc tế, Việt Nam có một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn.

Ông Jorland cho biết, Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông. Liên quan đến chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, những chứng cứ lịch sử cho thấy Việt Nam đã khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo này, đặc biệt là Hoàng Sa, từ cuối thế kỷ XVIII, dưới triều nhà Nguyễn.

Theo Giáo sư người Pháp, các bên liên quan cần phải tôn trọng luật quốc tế, và khối ASEAN, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực, cần củng cố khối đoàn kết, tăng cường nỗ lực ngoại giao và đàm phán, tránh dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Tham dự Hội thảo, bà Malgorzata Pietrasiak, Giáo sư Đại học Lodz ở Ba Lan, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, đánh giá cao phương pháp xử lý của Việt Nam về các vấn đề trên biển, mà bà gọi bằng thuật ngữ "Hedgingowa" (tạm dịch là "phòng ngừa rủi ro").

Theo bà, đây là chiến lược sáng suốt, mềm dẻo, hòa bình, không căng thẳng, nhưng cũng không nhượng bộ. Bà khẳng định: "Phương pháp này rất hiệu quả và mang lại điểm tốt cho ngoại giao Việt Nam trên chính trường quốc tế. Việt Nam cũng rất linh hoạt trong việc xử lý các vấn đề".

Theo bà Bùi Thị Thu Minh, Việt kiều, Chủ tịch CLB Trường Sa tại Đức, ý tưởng tổ chức hội thảo là rất tuyệt vời vì nếu như theo truyền thống những người lớn tuổi như thế hệ bà thường chỉ tổ chức việc quyên góp tiền ủng hộ các chiến sĩ, nhưng các bạn trẻ đã có ý tưởng tốt là tổ chức hội thảo để có thể đạt được mục đích lớn hơn là kết nối, lan tỏa, hành động cùng Trường Sa.

Bà nhấn mạnh: "Do đó, hoạt động như thế này sẽ giúp kết nối, đoàn kết tạo nên sức mạnh. Đó là điều tuyệt vời và mọi người nên ủng hộ để hằng năm có thể tổ chức những diễn đàn như thế này ở nhiều nơi, nhằm lan tỏa rộng hơn tới bạn bè quốc tế".

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/hoc-gia-chau-au-chia-se-goc-nhin-ve-bien-dong-230565.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/hoc-gia-chau-au-chia-se-goc-nhin-ve-bien-dong-230565.html
Bài liên quan
  • 30 năm UNCLOS: ‘Cơ chế sống’, bền vững vượt thời gian
    Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có “tuổi đời” khoảng 50 năm kể từ khi bắt đầu đàm phán và tròn 30 năm kể từ khi có hiệu lực thực thi. Suốt hành trình đó, không phải ngẫu nhiên UNCLOS được các bên tham gia Công ước gửi gắm niềm tin như “la bàn của người đi biển”, được gọi tên là “hiến pháp” của đại dương.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học giả châu Âu chia sẻ góc nhìn về Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO