Hội thảo khoa học quốc gia "Một trăm năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân (GS. NGND) Lê Đình Kỵ" diễn ra ngày 4/4, đúng sinh nhật của thầy, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đây là hoạt động nhằm tri ân những đóng góp của GS. NGND Lê Đình Kỵ trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học. Hội thảo được kỳ vọng là sự kiện truyền lửa để những thế hệ sau tiếp nối con đường học thuật và giảng dạy thầy Kỵ đã tâm huyết dựng xây.
GS. NGND Lê Đình Kỵ (sinh ngày 4/4/1923, mất ngày 24/10/2009) là nhà giáo nổi tiếng tài hoa, uyên bác, một trong những nhà khoa học đầu ngành Lý luận văn học. Ông từng công tác tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, là Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình, ông đã nhận nhiều Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. GS có hàng trăm bài báo khoa học và hàng chục chuyên luận khoa học có giá trị cao.
Khẳng định những đóng góp của GS. NGND Lê Đình Kỵ trong nghiên cứu, giảng dạy văn học và nghiên cứu lí luận, phê bình văn học, các học giả tham gia hội thảo còn cùng chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm về thầy giáo Lê Đình Kỵ lúc sinh thời.
GS Hà Minh Đức - người cộng sự làm việc cùng tổ, cùng khoa với NGND Lê Đình Kỵ trong suốt 23 năm, từ năm 1958 kể nhiều chuyện thời cùng thầy đi sơ tán. Trong những năm tháng ác liệt ấy, những bài phê bình về thơ hiện đại của thầy Lê Đình Kỵ gây ấn tượng bởi vừa có tính phát hiện về nội dung và nghệ thuật tác phẩm, vừa có luận cứ thuyết phục.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ với cố NGND, GS.TS Đinh Xuân Dũng, một người học trò, sau này là đồng nghiệp với thầy Kỵ, nhớ lại, trong buổi chuyện trò, thầy hỏi: "Em muốn trở thành gì?", GS.TS Đinh Xuân Dũng luống cuống, và câu trả lời cuối cùng là: "Em muốn đi theo con đường của thầy Lê Đình Kỵ".
Cùng chung sự ngưỡng mộ với cố NGND và những công trình khoa học của ông, TS Nguyễn Hồng Hạnh, cùng với ba người học trò của mình từ trường Đại học Cần Thơ ra Hà Nội tham dự hội thảo đúng ngày sinh nhật ông.
"Tôi cảm thấy con đường thầy Kỵ đi rất vẻ vang và khi có mặt ở đây, tôi ý thức rõ, mình là một hạt cát trong sa mạc", TS Hạnh phát biểu.
Chia sẻ tại hội thảo, GS Ngô Kim Long, vợ của cố NGND xúc động cảm ơn các học giả đã tham gia, quan tâm và vẫn nhớ thầy Ngô Đình Kỵ.
"Chúng tôi rất cảm tạ những người đã hiểu chúng tôi, nhớ chúng tôi và tôi cũng xin lỗi nếu trong cuộc sống có những lúc khiến mọi người không vừa lòng", GS Long bày tỏ.