Hoạt động thẩm mỹ đa phần làm sai, quảng cáo sai

THÙY TRANG| 16/08/2023 18:12

Chỉ có chứng chỉ chăm sóc da nhưng các cơ sở thẩm mỹ vin vào đó mà làm các dịch vụ xâm lấn, tiêm thuốc gây tê, tiêm botox… cho khách. Chưa kể, các cơ sở còn quảng cáo sai, đặt tên sai, nhận đào tạo và cấp chứng chỉ vượt quá, thậm chí là không có trong quy định về dịch vụ thẩm mỹ mà từng cơ sở được cho phép.

Hoạt động thẩm mỹ đa phần làm sai, quảng cáo sai
Cơ sở thẩm mỹ Wonjin chi nhánh Đà Nẵng chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động, quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Thùy Trang

Chỉ có chứng chỉ chăm sóc da nhưng làm cả dịch vụ xâm lấn

Tại hội nghị quán triệt các quy định, điều kiện hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ được tổ chức sáng 16.8 tại UBND quận Thanh Khê, Đà Nẵng, bà Hoàng Thị Việt Nga - Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Thanh Khê đã chỉ ra những lỗi vi phạm của đa phần các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện nay.

Phần lớn trên địa bàn quận Thanh Khê là các hộ kinh doanh, có chứng chỉ chăm sóc da được Sở Y tế công nhân là cơ sở đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo chứng chỉ hành nghề đó.

Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Thanh Khê thông tin về những sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: Thùy Trang
Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Thanh Khê thông tin về những sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: Thùy Trang

Tuy nhiên thực tế, các cơ sở thực hiện những hoạt động vượt quá chứng chỉ hành nghề như mổ xẻ, tiêm botox... Chứng chỉ hành nghề chăm sóc da không được thực hiện những hoạt động can thiệp sâu vào cơ thể con người như gây tê dạng tiêm. Những hoạt động này chỉ được được thực hiện ở phòng khám hay các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ với nhiều thủ tục và yêu cầu có bác sĩ, có bằng cấp.

Một vấn đề mà các cơ sở hay làm sai nữa là quảng cáo trên mạng xã hội. Chỉ riêng việc đặt tên cơ sở kinh doanh là thẩm mỹ viện là đã sai rồi, vì thẩm mỹ viện như là một phòng khám chuyên khoa da liễu với các thủ tục đi kèm. Các cơ sở còn quảng cáo những dịch vụ vượt quá chứng chỉ cho phép.

Một vấn đề nữa là rất nhiều cơ sở không biết có bước phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ của Sở Y tế mới được kinh doanh nên cứ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư xong là hoạt động ngay. Đến khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thì mới biết phải gửi hồ sơ về Sở Y tế để được công nhận.

Vô tư nhận đào tạo, cấp chứng chỉ

Chưa hết, cũng chỉ với chứng chỉ chăm sóc da, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ nhận học viên đào tạo. Trong khi theo quy định, chứng chỉ chăm sóc da không bao gồm việc người đó, cơ sở đó được phép đào tạo. Những chứng chỉ, bằng cấp về y tế đều phải là cơ sở y tế cấp, nơi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo mới được nhận học viên.

Việc này dẫn đến việc những người học nhầm tưởng, mở cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với một chứng chỉ không được pháp luật công nhận.

Một sai phạm nữa mà các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hay sai và bỏ qua là phân loại rác thải nguy hại. Phần lớn các cơ sở ở địa bàn quận Thanh Khê không phân loại rác thải, không ký hợp đồng phân loại rác thải với các cơ sở được thu gom rác thải nguy hại. Qua kiểm tra, các cơ sở gom chung mọi rác thải cho vào túi thu gom rác bình thường và để trước cơ sở mình. Điều này cực kỳ nguy hại cho môi trường và nhìn phản cảm khi bịch rác có lẫn máu, các mẩu da thịt của con người….“Những hành vi trên đều bị xử phạt hành chính, cộng lại thì mỗi cơ sở có thể bị phạt trên 100-200 triệu đồng. Tôi cho rằng, quy định pháp luật và chế tài đủ sức răn đe. Trên địa bàn quận Thanh Khê chưa xảy ra những hậu quả nguy hại về sức khỏe, tính mạng con người nhưng nếu các cơ sở vẫn không chấp hành đúng quy định thì trường hợp cơ sở thực hiện những dịch vụ thẩm mỹ gây nguy hại đến sức khỏe con người là vi phạm pháp luật hình sự với mức án đi tù. Vì vậy, ác cơ sở cần phải chấn chỉnh ngay” - bà Nga nhắc nhở.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động thẩm mỹ đa phần làm sai, quảng cáo sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO