Đón tiếp Hoàng Thái tử Nhật Bản cùng Công nương Kiko tại khu đền tháp Mỹ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giới thiệu tóm tắt về Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thông tin những năm qua, nhiều đoàn khảo sát từ Nhật Bản sang nghiên cứu khu đền tháp Mỹ Sơn.
Trong đó Đại học Khoa học tự nhiên Okayama, Viện Frontier khoa học và Kỹ thuật, Nhật Bản đã đến đây giới thiệu về việc ứng dụng "Khảo cổ trường địa từ" và "Đá từ tính" tại Nhật Bản.
Những ứng dụng này giúp tỉnh Quảng Nam xác định niên đại các cổ vật đất nung cũng như hỗ trợ quá trình nghiên cứu nhiệt độ, môi trường nung, thăm dò các di tích, di vật còn lưu giữ trong lòng đất nhằm hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu sâu về Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Bên cạnh nguồn lực trong nước, di sản Mỹ Sơn cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều nước trên thế giới trong công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và trùng tu.
Trong đó, Nhật Bản hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày Mỹ Sơn cạnh suối Khe Thẻ, hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2005.
Nhà trưng bày cùng với khu vực văn phòng góp phần quan trọng vào việc cải tạo cảnh quan khu vực Khe Thẻ; đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục di sản cũng như góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn, đồng thời là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
Đền tháp ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu kiến trúc phong phú, song nhìn chung các đền tháp có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ).
Văn bia đầu tiên phát hiện tại thung lũng Mỹ Sơn nhắc đến vị vua Bhadravarman là người cho xây ngôi đền đầu tiên dâng cúng thần Shiva vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4.
Với giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 1/12/1999.