Hóa thạch khủng long cổ nhất thế giới được phát hiện tại Ấn Độ

Ngọc Lý (T/H)| 23/08/2023 22:00

Loài mới được các chuyên gia đặt tên là Tharosaurus indicus, có niên đại 167 triệu năm tuổi.

Các nhà khảo cổ học từ Viện Công nghệ Ấn Độ và Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ tìm thấy hài cốt của một loài khủng long mới chưa từng thấy ở Ấn Độ trước đây. Hóa thạch thuộc về một loài Sauropod dicraeosauridae – khủng long cổ dài sống ở khu vực này vào thời kỳ giữa kỷ Jura. Đây không chỉ là hóa thạch đầu tiên thuộc loại này mà còn là chi khủng long diplodocoid (loài được biết đến sớm nhất) được tìm thấy trên thế giới.

z4629132233931_9a3e033f999e3da7080ad1b45df43d10.jpg

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài mới là Tharosaurus indicus. Theo phân tích, chúng có một vết lõm dài ở một bên xương cổ và các gai thần kinh, điều không thể thấy ở các thành viên khác trong nhóm. Các chuyên gia tin rằng Tharosaurus indicus là bằng chứng về những chiếc gai, tương tự như những chiếc gai xuất hiện trên Bajadasaurus pronuspinax (một chi khủng long chân thằn lằn dicraeosaurid ở kỷ Phấn Trắng). Loài động vật cổ đại này dường như cũng có bề mặt đốt sống phía trước gần xương đuôi gợi nhớ đến hình trái tim.

Sauropoda được cho là có nguồn gốc từ một thời điểm nào đó trong cuối kỷ Triassic hoặc đầu kỷ Jura, nhưng nguồn gốc của Neosauropoda mà chi diplodocoidea (siêu họ của khủng long sauropod) thuộc về, vẫn chưa được biết đến và gây tranh cãi cho đến ngày nay. Tuy nhiên, khủng long gai mới này có thể giúp giải quyết vấn đề trên.

z4629248565440_1ed0af7c49061805ca15bd9996cf7a85.jpg
Hình ảnh minh họa.

Việc xem xét cổ sinh vật học về Tharosaurus indicus, liên quan đến các loài sauropod khác, cho thấy rằng nó là tàn dư của một dòng dõi xuất hiện ở Ấn Độ và sau đó phân tán khắp phần còn lại của siêu lục địa lúc bấy giờ là Pangea (tồn tại trong đại Trung Sinh thuộc liên đại Hiển Sinh, trước khi quá trình trôi dạt lục địa tách nó ra thành các lục địa riêng biệt). Từ khoảng 300-200 triệu năm trước, các lục địa Bắc Mỹ, Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu đều là một vùng đất rộng lớn.

Hóa thạch được phát hiện ở sa mạc Thar, cách Jaisalmer thuộc bang Rajasthan không xa. Trong kỷ nguyên Mesozoi (từ 252 đến 66 triệu năm trước), phần đất nước chính là một bờ biển dọc theo Đại dương Tethys. Các nhà nghiên cứu tin rằng khu vực này có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của neosauropod – một phân nhóm các loài sauropod cũng có cổ dài và ăn thực vật.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện của họ có thể chỉ là phát hiện đầu tiên trong số nhiều phát hiện khác, nhưng những hóa thạch tương tự được phát hiện cùng khu vực cho thấy điều kiện môi trường nơi này là nhân tố chủ yếu trong quá trình tiến hóa của nhiều loài động vật có xương sống.

Cần trải qua nhiều công đoạn nghiên cứu hơn để xác định các thành viên khác của loài này và so sánh chúng với các loài sauropod khác được tìm thấy ở châu Á. Điều này sẽ giúp lấp đầy khoảng trống về lý do những loài động vật này phân tán và nguồn gốc của chúng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hóa thạch khủng long cổ nhất thế giới được phát hiện tại Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO