Triển lãm "Nghệ thuật Sen Việt - Vẻ đẹp thuần khiết"
Họa sĩ Phật tử Nguyễn Thị Kim Đức bén duyên nghệ thuật từ rất sớm. Chị sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, có truyền thống làm nghề thợ mộc, chị là con gái thứ năm của nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Xứ Đoài mây trắng.
Năm 2019, nữ họa sĩ được nhiều người biết đến với bức tranh Cover Of Future (Vỏ tương lai) được Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak chọn làm quà tặng cho các lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới.
Nói về cơ duyên bén với nhà Phật, họa sĩ Phật tử Kim Đức kể: "Năm 2012 tôi vẽ một bức sen, rồi bức Phật Bà Quan Âm. Các thầy có nói vẽ được sen và Phật Bà là có duyên công đức vô lượng.
Từ đó tôi phát tâm cùng gây dựng mạng xã hội Phật giáo Việt Nam Butta và quỹ tranh Butta Sweet Life để quảng bá tinh thần nhân ái của Phật giáo. Tôi hi vọng những bức tranh mang tinh thần lạc quan, tràn đầy năng lượng sẽ gắn kết mọi người để cùng nhau làm những điều tốt đẹp".
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức không phải cái tên xa lạ, chị từng gây "sốt" mạng khi chia sẻ về sứ mệnh của các nghề nghiệp trong đó có nhắc về sứ mệnh của người họa sĩ. Chỉ trong một thời gian ngắn chia sẻ, bài đăng của chị đã thu hút hơn 1 triệu lượt like, chia sẻ và bình luận.
Gần đây, nữ họa sĩ tiếp tục tạo được sự chú ý khi chia sẻ về sự kiện triển lãm tranh mang tên "Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết", được tổ chức tại Chùa Quán Sứ.
Triển lãm "Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết" do Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Triển lãm là cơ hội hiếm có để người yêu tranh chiêm ngưỡng bản gốc tác phẩm Vỏ tương lai (Cover of Future) nổi danh toàn thế giới trưng bày lần cuối cùng tại Việt nam và 75 bức tranh nghệ thuật về sen vô cùng quý giá của họa sĩ Phật tử Kim Đức, cùng những nỗ lực sáng tạo, cống hiến và tôn vinh biểu tượng hoa sen.
Họa sĩ Kim Đức chia sẻ, chị mở triển lãm "Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết" với mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi ước vọng tương lai tốt đẹp.
"Thông qua hoạt động trưng bày triển lãm, chúng tôi hi vọng lan tỏa thông điệp hòa bình của Đức Phật. Tôn vinh hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực hành từ những vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết của hoa sen - loài hoa trường tồn đại diện cho hành trình tìm kiếm cái đẹp trong tâm hồn, tìm kiếm và cộng hưởng với những trái tim cùng chí hướng để tạo nên những giá trị và vẻ đẹp chân thiện", chị tâm sự.
Hoa Sen không thể không yêu
Với họa sĩ Phật tử Kim Đức: "Hoa sen không thể không yêu", đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận để chị sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Chị say đắm và có thể nói về hoa sen cả ngày, cả tháng mà không chán, không lặp.
Họa sĩ Kim Đức chia sẻ: "Tôi cảm nhận được hoa sen qua những chi tiết của kiến trúc và điêu khắc trong những ngôi chùa mình đã đi qua tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bhutan, Tây Tạng… Và đặc biệt cũng giống như bao người Việt Nam khác, là phật tử, tôi luôn tự hào về các giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của các ngôi chùa cổ trải dài khắp Việt Nam.
Ở đó luôn có hình tượng sen là Phật cũng như những kiệt tác của lịch sử mỹ thuật Việt Nam có thể kể đến như Chùa Một Cột, Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp...".
Chính từ tình yêu ấy đã cho nữ họa sĩ cảm xúc mãnh liệt để tìm hiểu, nghiên cứu và vẽ ra bộ tranh Sen Lotus Kim Duc.
Với tên gọi "Nghệ thuật sen Việt - Vẻ đẹp thuần khiết", 75 bức tranh sen của họa Nguyễn Thị Kim Đức đã sử dụng chất liệu sơn dầu, có vài bức chất Acrylic, màu nước trên giấy Hàn Quốc và Nhật Bản. Sen trong các bức tranh của Kim Đức mang đậm hồn Việt nhưng cũng vô cùng tươi sáng, tràn đầy năng lượng và hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Chẳng hạn như tác phẩm Kho báu, người xem cảm nhận được hình tượng sen đầy mạnh mẽ, vượt lên nỗi đau, khắc nghiệt của hoàn cảnh, hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Hay bức tranh Liên hoa tịnh cảnh, tái hiện hồ sen trong ký ức nhiều người. Người xem như được lạc vào thế giới bình yên trong tâm hồn để quên hết muộn phiền. Trong tranh có tiếng gió, có tình yêu đôi lứa, có sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm….
Sử dụng phong cách vẽ đơn giản, nét vẽ mềm mại nhưng táo bạo, những bức tranh sen của họa sĩ Kim Đức mang ý nghĩa nhân sinh vô cùng sâu sắc. Nữ họa sĩ muốn những tác phẩm nghệ thuật này truyền tải từ "trái tim đến trái tim", lan tỏa tình yêu sen, mong muốn sen tồn tại, lan truyền từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.
Với chị, hoa sen là biểu tượng về vẻ đẹp thánh thiện, khoan dung, thủy chung, kiên cường, cao quý đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai tốt lành, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc của thế giới loài người.
Nữ họa sĩ bày tỏ: "Tôi đã mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé qua những bức tranh Sen Lotus Kim Duc để thể hiện tình yêu cháy bỏng của mình và ước mong sen tồn tại lan truyền từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác như một ngọn lửa bất tử âm ỉ cháy mãi không tắt, với sứ mệnh quan trọng của sen là bông hoa Thánh có thể loại bỏ sự khổ đau của nhân loại".
Triển lãm "Nghệ thuật sen Việt 2023 - Vẻ đẹp thuần khiết" (diễn ra từ ngày 25/3 - 31/3, tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UNESCO phối hợp thực hiện.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Phật tử Kim Đức, tôn vinh hình tượng hoa sen, biểu tượng của sự tinh khiết, quyền lực và trí tuệ.