Hiện thực hóa cam kết trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ

27/09/2023 12:07

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" đã đề ra những phương hướng lớn cho mối quan hệ giữa hai nước.

Chưa đầy 10 ngày sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật những thành tựu tốt đẹp và đề cao mối quan hệ Việt - Mỹ trước cộng đồng quốc tế.

Ông Joe Biden nhấn mạnh: không ai có thể tưởng tượng được rằng đến một ngày, Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. "Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương", ông nói.

Hiện thực hóa cam kết trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính rung chuông tại Sàn chứng khoán NASDAQ, kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam, ngày 22/9 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngày 10/9/2023, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" đã đề ra những phương hướng lớn cho mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, bao trùm trên 10 lĩnh vực trụ cột, gồm nhiều cấp độ hợp tác: song phương, khu vực, và toàn cầu. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được xác định là "nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng" cho quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ.

Tại các cuộc tiếp xúc với giới chức và doanh nghiệp Mỹ trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 17 đến ngày 23/9, lãnh đạo Chính phủ nước ta đã đề nghị Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, Mỹ nên hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản, nguồn sống của nông dân Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ xem xét để sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các quan hệ sâu rộng về kinh tế, tài chính giữa hai nước.

"Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ" hôm 10/9/2023 cũng xác định một điểm "đột phá mới" cho mối quan hệ song phương là hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số.

dg-.jpeg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tại cuộc tiếp đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tạo đột phá trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đề nghị Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chuỗi cung ứng liên quan đến chíp bán dẫn. Từ phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen, nhận định khá tích cực khi coi Việt Nam là đối tác chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Hiện  nay, Mỹ hợp tác với Việt Nam nhằm tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam là nước có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.

Có thể nói, chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trên đã tạo một dấu ấn đậm nét, cho thấy những quyết tâm hành động nhằm hiện thực hóa các cam kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Trong những ngày vừa qua, dư luận trong nước dõi theo sát sao các cuộc gặp gỡ, làm việc của Thủ tướng với các đối tác Hoa Kỳ, quan tâm đến những thảo luận về các định hướng hoạt động để làm rõ thêm những cơ hội và triển vọng cho sự phát triển thực chất mối quan hệ giữa hai nước.

Một ấn tượng nổi bật khác trong chuyến công du là tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chuyển đến các cơ quan chính quyền Mỹ, lãnh đạo doanh nghiệp, và người dân Mỹ những thông điệp tích cực về một Việt Nam cởi mở, đã sẵn sàng tâm thế và hành động cho những kế hoạch hợp tác, cả ở hiện tại và trong tương lai.

gbdgb.jpg
Học sinh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn là học bổng

Những tuyên bố, cam kết thúc đẩy hợp tác đã được đưa ra từ cả hai phía Việt - Mỹ. Việc quan trọng tiếp theo là phải tạo ra được sự chuyển động thực chất trong hành động của các cơ quan chức năng ở trong nước. Ở cấp độ vĩ mô, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu kỹ các khuôn khổ, cơ chế, lĩnh vực hợp tác giữa hai bên để triển khai những hoạt động cụ thể. Trong đó, một trong những việc cấp bách bậc nhất là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các điều kiện thể chế ở trong nước nhằm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và ổn định.

Người Mỹ vốn tư duy và hành động rất duy lý cho nên sự rõ ràng về các chính sách và sự hoàn thiện, ổn định về thể chế sẽ giữ vai trò quyết định, trở thành điểm tựa vững chắc cho sự phát triển bền vững quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới.

Từ góc độ xã hội, hẳn nhiên mỗi cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường kết nối, tìm hiểu các cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư với các đối tác Hoa Kỳ. Để có thể tìm kiếm được các lợi ích cho bản thân và doanh nghiệp, cũng như góp phần vào thịnh vượng chung cho cả hai nước thì tất yếu mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước cần phải có sự tìm hiểu kỹ về văn hóa Mỹ, lợi ích của người Mỹ và nước Mỹ, tác phong làm việc cũng như những khuôn mẫu trong hành động hợp tác với các đối tác bên ngoài của các tổ chức, doanh nghiệp Mỹ.

Với điểm đột phá là những hợp tác về công nghệ, chúng ta có thể dự báo rằng các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam sẽ không quá coi trọng ưu thế lực lượng lao động đông, giá rẻ ở nước ta. Thay vào đó, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ, sẽ giữ vai trò then chốt bậc nhất trong việc thu hút và giữ chân các doanh nghiệp Mỹ tại nước ta.

Vì thế, từ góc độ một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai hợp tác công nghệ Việt - Mỹ, hướng tới khả năng hình thành một lực lượng lao động người Việt có thể tham gia và làm chủ các công nghệ hiện đại.

Sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực cũng là cách để chúng ta, thông qua quá trình hợp tác, làm việc và học hỏi với người Mỹ, sẽ từng bước trưởng thành để có thể "tự chủ, độc lập" được với việc thành lập những doanh nghiệp công nghệ "made in Việt Nam" trong tương lai.

Cũng vì thế, chúng ta không nên chỉ bị động đề nghị phía Mỹ cung cấp các cơ hội học bổng cho sinh viên Việt Nam. Thay vào đó, Nhà nước cần chủ động bố trí nguồn lực cho kế hoạch đào tạo nhân lực cho tương lai, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa cam kết trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO