Những năm gần đây, các nền tảng số Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Theo thống kê của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), tổng lượng người dùng hàng tháng trên nền tảng số qua các ứng dụng di động Việt Nam đã vượt mức 500 triệu. Việt Nam cũng đã xuất hiện những nền tảng số có độ phủ cao, với tác động xã hội rõ nét như Zalo, MoMo, Cốc Cốc,...
Các nền tảng số là tiền đề quan trọng để Việt Nam chuyển đổi số. Trên hành trình đó, để chuyển đổi số nhanh hơn, cần có ngày càng nhiều hơn nữa các nền tảng số Make in Viet Nam. Vậy cơ quan quản lý Nhà nước nên làm gì để các nền tảng số Việt Nam “chắp cánh”?
Nhà nước và vai trò cầu nối
Từ góc nhìn của một đơn vị phát triển nền tảng số Make in Viet Nam, bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại của Cốc Cốc đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ các nền tảng số trong nước thông qua vai trò cầu nối.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cốc Cốc mong muốn cơ quan chức năng giúp các nền tảng tạo ra những “điểm chạm” gần gũi với người dân. Điều này có thể được cụ thể hóa bằng các chương trình, hoạt động để người dân làm quen, hiểu và dễ dàng dùng thử các nền tảng số. Thông qua những hoạt động này, từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng và xây dựng thói quen tương tác trong thế giới số cho người dân.
Ở một góc độ khác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể trở thành cầu nối giữa nền tảng số và doanh nghiệp, để các nền tảng Việt Nam tham gia xây dựng giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Trong vai trò cầu nối, Nhà nước hãy giúp các nền tảng số trong nước tiếp cận với nguồn lực đầu tư về công nghệ, tài chính và con người để doanh nghiệp có thể cập nhật các công nghệ tiên tiến và nâng cấp năng lực của nền tảng”, bà Oanh kiến nghị.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Thượng Tường Minh - Tổng Giám đốc nền tảng chuyển đổi số Base.vn cho hay, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp phát triển nền tảng số như Base.vn chính là tiếp cận, kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam triển khai công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách tương đối giữa các nền tảng số và doanh nghiệp Việt.
Theo ông Minh, trong giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong vai trò cầu nối giữa các đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số và cộng đồng doanh nghiệp.
“Điều cần làm là phổ cập những nền tảng số cơ bản và đẩy nhanh công tác triển khai những nền tảng mới thông qua một số doanh nghiệp dẫn đường, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)”, CEO Base.vn đề xuất.
Doanh nghiệp muốn Nhà nước hỗ trợ bằng pháp lý
Nhắc tới sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, điều mà nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay tới là làm sao để các nền tảng số Việt Nam có được sự hậu thuẫn tốt nhất về pháp lý.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Đoàn Hữu Hậu - Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho rằng, hiện nay các thủ tục, cơ chế liên quan đến đầu tư CNTT, đầu tư cho chuyển đổi số cần phải có sự tư duy lại.
“Đâu đấy tại Việt Nam đã manh nha những mô hình sandbox của Ngân hàng Nhà nước cho một số dịch vụ tài chính, ngân hàng. Với CNTT, hiện nhiều nơi vẫn đang bị giám sát chặt chẽ về thủ tục để ra được dự án đầu tư, cùng với đó là việc đánh giá hiệu quả đầu tư”, đại diện FPT đưa ra nhận định.
Đề xuất với các đơn vị làm chính sách, theo Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, nếu muốn thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phải chấp nhận những game “fail fast”, cũng tức là sẵn sàng đón nhận thất bại nhanh từ sớm.
“Chuyển đổi số là một cơ hội nên đầu tư, nhưng đầu tư xong thì hiệu quả, khả năng phù hợp để sinh tồn là bài toán cần được đánh giá lại. Quan điểm “fail fast” dẫn tới việc chúng ta sẽ xác định lại hiệu quả đầu tư sau những giai đoạn ngắn nhất định”, ông Hậu đưa ra ý kiến.
Đề xuất thêm về chính sách, bà Mai Thị Thanh Oanh mong muốn Việt Nam cần có hành lang pháp lý phù hợp nhằm hỗ trợ việc phát triển và phổ biến hơn các nền tảng số Make in Viet Nam. Trong đó, cần tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa nền tảng số nội địa với sản phẩm từ các ông lớn công nghệ “nhập khẩu” với mục tiêu dữ liệu của người Việt phải được lưu trữ tại Việt Nam.