Hết buồn đi, Tết rồi!

Hoàng Anh Tú| 03/02/2024 08:30

Một năm kinh tế buồn. Đó là câu nói chúng ta nghe thấy suốt những ngày qua. Nhưng Tết kìa, hết buồn đi, được không?

Năm 2010, vợ tôi là giám đốc một sàn bất động sản. Nhậm chức đúng thời điểm bất động sản khủng hoảng xuống đáy. Cứ ngỡ đó là năm khó khăn nhất của bất động sản nói riêng và gia đình tôi nói chung rồi.

Vì năm đó, chúng tôi mua ngôi nhà đầu tiên của mình bằng việc vay ngân hàng ở mức lãi suất lên tới 17,4%. Hai vợ chồng vừa cày cuốc duy trì sinh hoạt gia đình 5 người cùng nuôi bố mẹ hai bên vừa trả lãi vay ngân hàng. Và rồi mọi thứ cũng vượt qua hết.

Nhớ lại những năm tháng đó để trân quý cuộc hôn nhân này hơn. Nhưng năm nay, 2023, bất động sản còn khó khăn hơn cả 2010. Vợ tôi không còn làm bất động sản nữa nhưng doanh nghiệp gia đình của tôi thì vẫn bị lệ thuộc vào bất động sản.

Nếu như trước đây, mỗi ngày doanh nghiệp nhà tôi sản xuất cả chục bộ rèm thì thời gian qua, số căn hộ mới bàn giao tụt hẳn, có khi cả tuần mới may chục bộ rèm, mà đa phần đều là bạn bè thay rèm mới mà gọi. Nhiều nhà cung cấp vải rèm cũng mở thêm mảng bán lẻ, may rèm.

Nhiều doanh nghiệp liên quan đến bất động sản cũng điêu đứng theo. Đối diện với nguy cơ phải cắt giảm nhân viên, luân phiên làm việc. Có những đêm, lúc 2h sáng, quờ tay sang bên cạnh không thấy vợ mình đâu, tôi ra phòng khách và thấy vợ chong đèn ngồi đọc sách.

Hết buồn đi, Tết rồi! - 1

Nụ cười ngày xuân của anh bán hoa vui tính tại chợ hoa Quảng Trường, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Trần Hữu Cường).

Năm 2023 thực sự là một năm kinh tế khó khăn với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp gia đình nhà tôi. Khó khăn hơn cả khi còn đại dịch Covid-19.

Có những công ty bất động sản cả trăm người mà một tháng chỉ có 1,5 giao dịch. (Vì có một giao dịch trùng khách nên chỉ nhận được 50% phí giao dịch).

Có những người bạn của tôi "khoe" thưởng Tết bằng chính sản phẩm của công ty mà bạn tôi đang phụ trách kinh doanh. Sếp bảo mang đi bán không phải trả tiền cho công ty nữa, coi như thưởng Tết của công ty. Bạn tôi vẫn còn may mắn vì còn những người khác lương bị nợ chứ đừng nói là có thưởng Tết.

Khó khăn khiến không khí gia đình của ai cũng ủ dột. Một người anh của tôi cũng vừa hoàn tất việc ly dị với vợ sau 20 năm hôn nhân. Lý do thì rất nhiều, có cả những lý do xảy ra từ 20 năm trước bây giờ vợ anh vẫn nhắc lại. Nhưng tôi nhận ra một điều, một lý do rất đáng thương: Vợ anh vừa thất nghiệp ở tuổi 45.

Công ty phá sản. Ở tuổi 45 với phụ nữ có năng lực không phải là xuất sắc, đi tìm một công việc mới thực sự là khó khăn. Nghỉ việc và làm vợ 100% thời gian, nhất là con cái đều đã lớn, có cuộc sống riêng của chúng, cô ấy nhàn rỗi nên rơi vào trầm cảm. Trong khi anh thì lao đi kiếm tiền bù lại khoản thu nhập của vợ nên bận bịu tối mày tối mặt. Vợ chồng cứ thế mà xa cách nhau lúc nào không hay.

Vợ ở nhà cả ngày nên bắt đầu xét nét nhiều hơn, hai vợ chồng lục đục suốt. Đến lúc không chịu nổi nữa thì vợ anh đề nghị chia tay. Anh rất sốc. 20 năm tưởng hôn nhân an ổn nhưng chỉ cần một năm thất nghiệp, đối diện cả ngày với nhau mới nhìn ra đủ thứ không hợp nhãn.

Khó khăn có thể trở thành chất xúc tác để vợ chồng yêu thương nhau nhiều hơn nhưng khó khăn cũng có thể khiến một cuộc hôn nhân tan vỡ. Vẫn là cách mà chúng ta đối diện với chúng thế nào và biến nguy thành cơ hay nguy thành hại.

Tôi bảo với người anh của mình: "Thứ khiến vợ anh muốn buông tay không phải là kinh tế khó khăn mà là sự gắn kết".

Giống như vợ tôi, nàng không muốn cắt giảm bất cứ một nhân sự nào trong doanh nghiệp gia đình của tôi với lý do: Họ đã đi theo vợ chồng tôi chẵn 10 năm rồi. Có những người nói rằng họ muốn làm cho vợ chồng tôi đến khi họ không còn đủ sức lao động nữa. Nên nói buông tay thì thật dễ, buông bỏ lương tâm của mình thật khó.

Nên lúc 2h sáng vợ tôi vẫn chong đèn đọc sách không phải để tìm kiếm phương án nào mà chỉ để tâm được thanh tịnh trở lại. Nên tôi thay vì ngủ khì mặc vợ, tôi ra pha một ấm trà và hai vợ chồng lại cùng nhau đọc sách.

Hết buồn đi, Tết rồi! - 2

Tan ca, cô lao công chọn 2 chậu cúc về nhà đón Tết (Ảnh: Hồ Lâm).

Nói về vượt qua khó khăn thì sách viết rất nhiều. Tôi có thể trích dẫn hoặc thậm chí giới thiệu cho mọi người rất nhiều cuốn sách. Nhưng vượt qua được hay không lại chính là lòng người.

Như vợ của người anh tôi, chọn cắt giảm hôn nhân của mình để đi qua khó khăn của trầm cảm thất nghiệp. Như vợ của tôi chọn giữ lại nhân viên để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bất động sản đóng băng, không có nhiều nhà mới được bàn giao thì tạo ra công ăn việc làm mới cho chính nhân viên cũ của mình. Với đội may rèm và tháo lắp rèm chuyên nghiệp 10 năm, vợ tôi biến doanh nghiệp giặt là của mình trở thành số 1 nhờ việc giặt rèm kèm theo sửa chữa, tận dụng đội ngũ may rèm chuyên nghiệp của nhà mình để đi sửa chữa rèm cho khách giặt rèm.

Có lẽ thị trường giặt là chẳng ai có thợ may rèm, thợ lắp rèm chuyên nghiệp và có dịch vụ giặt là đi cùng như nhà tôi. Gần 60 nhân viên đều có việc để làm thay vì ngồi đợi bất động sản hết bất động. Dù vẫn đầy những khó khăn nhưng có điểm đến thì lo gì không có lối đi.

2024 không biết còn bao nhiêu biến động nữa nhưng chẳng phải mỗi biến động đều khiến chúng ta trưởng thành lên ít nhiều đó thôi. Học cách thích ứng trong một xã hội đầy biến động là thứ mà đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta, kỷ nguyên của AI dạy chúng ta.

Trí tuệ nhân tạo ngày một thông minh nhưng trí tuệ cảm xúc vẫn là thứ điều khiển thế giới này. Và khó khăn chính là những bài tập giúp chúng ta phát triển trí tuệ cảm xúc của mình vậy.

Tết này, thưởng Tết có thể ít hơn, kinh tế có thể phải co kéo thì cái nắm tay nhất định đừng buông.

Vợ tôi bảo: "Tết này em sẽ lì xì cho nhân viên của mình một ngày công lao động nhưng không ai cần phải đi làm. Em muốn họ dành thời gian cho gia đình của họ, hậu phương và là cục sạc pin "oách sờ nách" bim bim của nhân viên nhà mình".

Và tôi thì thấy sự lấp lánh trong đôi mắt vợ mình khiến nàng trở nên đáng yêu vô ngần.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hết buồn đi, Tết rồi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO