Những chiếc xe ô tô hiện đại giờ đây ngày càng được trang bị đầy đủ các công nghệ an toàn. Nhưng nghiên cứu mới đẩy của Viện Bảo hiểm và An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đã chứng minh cho chúng ta thấy mọi thứ không phải là hoàn hảo.
Theo chính phủ Mỹ, công nghệ phanh khẩn cấp tự động (AEB) sẽ trở thành bắt buộc đối với các phương tiện mới trước năm 2030. Trước năm 2024, IIHS đã chỉ định các xếp hạng riêng biệt cho khả năng phòng ngừa va chạm phía trước dành cho người đi bộ vào ban ngày và ban đêm. Trong đánh giá ban đêm, Subaru Forester đạt được xếp hạng cao nhất là vượt trội và Honda CR-V đạt được xếp hạng nâng cao. Còn Mazda CX-5 không được đánh giá.
Kế hoạch lần này là tiếp tục đánh giá hiệu quả của hệ thống phanh tự động với người đi bộ vào ban đêm trước tác động của quần áo gây chú ý và đèn đường. IIHS vẫn lựa chọn 3 mẫu xe thử nghiệm: Honda CR-V, Mazda CX-5 và Subaru Forester, tất cả đều từ năm sản xuất 2023.
Trong khi nghiên cứu trước đây của IIHS cho thấy hệ thống phanh khẩn cấp tự động giúp giảm 27% tỷ lệ tai nạn liên quan đến người đi bộ ở mọi mức độ nghiêm trọng. Thế nhưng, trong điều kiện đường tối, tác động của hệ thống này dành cho người đi bộ đối với nguy cơ tai nạn là không đáng kể. Đó là một vấn đề nghiêm trọng vì hầu hết các vụ tai nạn chết người liên quan đến người đi bộ đều xảy ra vào ban đêm.
Bài thử nghiệm va chạm sẽ được tiến hành trong các điều kiện ánh sáng và loại quần áo khác nhau dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, một điều bất thường đáng ngạc nhiên đã xuất hiện. Có vẻ như hệ thống phanh khẩn cấp trên một xe đã không thể phát hiện người đi bộ mặc quần áo phản quang hoặc có gắn các tấm phản quang riêng. Đây là những thứ vốn để giúp các phương tiện khác dễ dàng nhận ra họ trong bóng tối.
Theo IIHS, với tốc độ di chuyển 40 km/h, tỉ lệ đâm vào hình nộm người đi bộ của Honda CR-V và Mazda CX-5 lần lượt là 84% và 88% trong các lần chạy thử nghiệm. Với các sọc phản quang được thêm vào quần áo, cả hai chiếc SUV tiếp tục đâm vào hình nộm mà không có dấu hiệu giảm tốc. Với hình nộm người đi bộ mặc đồ đen, cả hai xe SUV kể trên đều giảm tốc đáng kể khi sử dụng đèn pha. Điều ngược lại với những gì mọi người mong đợi.
Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là các nguồn chiếu sáng khác nhau cũng tạo ra các kết quả khác nhau. Ví dụ, Mazda CX-5 sẽ giảm tốc chậm lại với tình huống có người đi bộ khi độ rọi trong khu vực đó là 10 lux. Tuy nhiên, khi tăng lên độ rọi 20 lux, khả năng hiệu quả của hệ thống phanh khẩn cấp tự động của mẫu xe Mazda kém hơn đáng kể.
Trong khi đó, ngược lại với hai chiếc xe kia, Subaru Forester lại làm tốt hơn nhiều. Chiếc xe này tránh đâm vào người đi bộ trong tất cả các bài kiểm tra, ngoại trừ một lần thất bại xảy ra với một người mặc quần áo phản quang. Ngay cả trong lần chạy đó, chiếc xe của Subaru vẫn đã giảm tốc độ chậm hơn 80%. Chính vì vậy, IIHS chỉ có thể suy đoán tại sao những hệ thống này lại gặp khó khăn khi nhìn quần áo sáng màu.
"Việc đặt các dải phản quang vào các vị trí chuyển động trên quần áo và áo khoác cho phép người lái xe nhanh chóng nhận ra đây là chuyển động của một người đi bộ. Thật không may, điều đó lại không có tác dụng tương tự đối với các hệ thống AEB được trang bị các xe mà chúng tôi đã thử nghiệm, có thể tấm phản quang đã làm nhiễu các cảm biến của hệ thống này", David Kidd, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại IIHS chia sẻ.
Không rõ tại sao hệ thống phanh AEB của Honda và Mazda lại gặp khó khăn trong việc nhận dạng người đi bộ mặc loại quần áo phản quang. Tuy nhiên, sự thiếu sót này là một mối quan ngại khi xét đến số lượng công nhân đường bộ và nhân viên cấp cứu sử dụng các loại quần áo tương tự để giảm thiểu rủi ro khi họ làm việc trên đường.
Theo Motor1