Hé lộ vũ khí bí mật Nga mới đưa vào sử dụng ở Ukraine

15/10/2024 05:50

Khi hai vệt hơi nước màu trắng bay ngang bầu trời gần tiền tuyến ở miền đông Ukraine, giới chức địa phương tin máy bay chiến đấu Nga sắp tấn công. Song, những gì đã xảy ra gần thành phố Kostyantynivka là chưa từng có.

Theo lời kể của các nhân chứng, vệt hơi nước phía dưới đột ngột tách ra làm đôi và một vật thể mới nhanh chóng tăng tốc về phía vệt hơi nước còn lại cho đến khi chúng giao nhau và một tia sáng màu cam làm sáng rực bầu trời.

Các mảnh vỡ được cho là của UAV chiến đấu tàng hình S-70 Okhotnik của Nga bị bắn rơi ở Kostyantynivka, Ukraine ngày 5/10. Nguồn: The War Zone

Nhiều ý kiến đồn đoán đó có thể là cảnh tượng một chiến đấu cơ Nga bị trúng hỏa lực  từ máy bay đồng đội hoặc bị tiêm kích Ukraine bắn trúng ở cách tiền tuyến 20km. Người Ukraine sau đó nhanh chóng phát hiện các mảnh vỡ rơi xuống và kết luận họ vừa chứng kiến ​​sự phá hủy vũ khí mới nhất của Nga - máy bay không người lái (UAV) chiến đấu tàng hình S-70 Okhotnik (Thợ săn).

Theo BBC, đây không phải là UAV thông thường, mà là phương tiện không người lái hạng nặng, to bằng máy bay chiến đấu nhưng không có buồng lái. Okhotnik rất khó bị phát hiện và những người phát triển mẫu UAV này quả quyết nó "gần như không có sự tương đồng" nào trên thế giới.

Tất cả có thể là sự thật, nhưng rõ ràng Okhotnik đã bay lạc hướng và những hình ảnh quay được tại hiện trường khi đó ám chỉ một tiêm kích Su-57 của Nga dường như đang đuổi theo UAV.

Tiêm kích Nga được cho là có thể đã cố gắng thiết lập lại liên lạc với UAV lạc đường, nhưng vì cả hai đều bay vào vùng phòng không của Ukraine, nên quân Nga có thể đã quyết định phá hủy Okhotnik để ngăn nó rơi vào tay đối phương.

Cả Moscow và Kiev đều không chính thức bình luận về những gì đã xảy ra trên bầu trời gần Kostyantynivka vào ngày 5/10. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, quân Nga rất có thể đã mất quyền kiểm soát UAV do hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine gây nhiễu.

Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm rưỡi qua giữa hai nước láng giềng đã chứng kiến ​​nhiều UAV, nhưng không có loại nào giống như Okhotnik của Nga. Okhotnik nặng hơn 20 tấn và được cho là có tầm hoạt động 6.000km. Với hình dạng giống như một mũi tên, mẫu UAV này trông rất giống với X-47B của Mỹ, một UAV chiến đấu tàng hình khác được tạo ra cách đây một thập kỷ.

Okhotnik được cho là có thể mang bom và tên lửa để tấn công cả mục tiêu trên mặt đất và trên không cũng như làm nhiệm vụ trinh sát. Đáng chú ý, UAV này được thiết kế để hoạt động kết hợp với tiêm kích Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga.

UAV S 70 Okhotnik bay cung Su 57.jpg
Hình ảnh UAV Okhotnik bay cùng tiêm kích Su-57 trong một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải. Ảnh: BBC

Các tài liệu ghi rằng Okhotnik được phát triển từ năm 2012 và có chuyến bay đầu tiên vào năm 2019. Song, cho đến cách đây hơn một tuần, không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã triển khai mẫu UAV này trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đầu năm nay, có thông tin Okhotnik xuất hiện tại sân bay Akhtubinsk ở miền nam Nga, một trong những địa điểm phóng các máy bay tấn công Ukraine. Vì vậy, chuyến bay bị hủy bỏ ở Kostyantynivka có thể là một trong những nỗ lực đầu tiên của các lực lượng Moscow nhằm thử nghiệm vũ khí mới của họ trong điều kiện chiến đấu.

Nhà chức trách Ukraine tiết lộ đã tìm thấy các mảnh vỡ của một trong những quả bom lượn tầm xa D-30 của Nga tại nơi UAV rơi. Những vũ khí chết người này sử dụng định vị vệ tinh để trở nên nguy hiểm hơn nữa.

Vậy tại sao Okhotnik phải bay cùng một tiêm kích Su-57? Chuyên gia hàng không Anatoliy Khrapchynskyi ở Kiev nhấn định, tiêm kích có thể đã truyền tín hiệu từ một căn cứ mặt đất đến UAV để tăng phạm vi hoạt động của chúng.

Sự cố của UAV tàng hình được tin là một tổn thất lớn đối với quân đội Nga. Okhotnik dự kiến ​​sẽ được sản xuất đại trà trong năm nay, nhưng rõ ràng UAV này vẫn chưa sẵn sàng.

Theo các nguồn thạo tin, nhà sản xuất đã chế tạo 4 nguyên mẫu Okhotnik và có thể chiếc bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine là chiếc tiên tiến nhất trong số đó. Chuyên gia Khrapchysnkyi giải thích, mặc dù UAV đã bị phá hủy nhưng Ukraine vẫn có thể thu thập được thông tin có giá trị về nó, chẳng hạn như UAV có radar riêng để tìm mục tiêu hay đạn dược được lập trình sẵn tọa độ để tấn công hay không.

Căn cứ vào nghiên cứu hình ảnh từ hiện trường, ông Khrapchysnkyi đánh giá khả năng tàng hình của Okhotnik còn khá hạn chế. Vì vòi phun động cơ hình tròn và có nhiều đinh tán làm bằng nhôm nên UAV này có thể bị radar phát hiện.

Chắc chắn, các kỹ sư Ukraine sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng xác UAV và chuyển những phát hiện của họ cho các đối tác phương Tây. Tuy nhiên, sự cố này ám chỉ người Nga không ngồi yên hay chấp nhận phụ thuộc vào nguồn nhân lực khổng lồ và vũ khí thông thường. Họ đang nghiên cứu những cách thức mới, thông minh hơn để chiến đấu. Và những gì thất bại hôm nay có thể thành công vào lần tiếp theo.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/he-lo-vu-khi-bi-mat-nga-moi-dua-vao-su-dung-o-ukraine-2331772.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/he-lo-vu-khi-bi-mat-nga-moi-dua-vao-su-dung-o-ukraine-2331772.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hé lộ vũ khí bí mật Nga mới đưa vào sử dụng ở Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO