Trao tặng nhiều kỷ vật quý giá của vị hoàng đế thứ 8 triều Nguyễn
Ngày 5/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức tọa đàm ra mắt sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger.
Theo Ban tổ chức, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại văn hóa, góp phần giới thiệu quảng bá, nâng cao hình ảnh các giá trị di sản văn hóa Huế - Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các hậu duệ của vua Hàm Nghi còn trao tặng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) nhiều kỷ vật quý giá của vị hoàng đế thứ 8 triều Nguyễn.
Cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger do Tiến sĩ Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) biên soạn.
Đây là công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước, một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Algerie.
Cuốn sách này khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Tiến sĩ Amandine Dabat cho biết để thực hiện nghiên cứu này, bà đã dựa vào 2 bộ sưu tập quan trọng. Đầu tiên là bộ sưu tập tư nhân do hậu duệ của vua Hàm Nghi lưu giữ, gồm 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ (cả thư và các bản thảo ông viết trong thời gian lưu đày).
Bộ sưu tập thứ 2 là tài liệu của chính quyền Algerie, hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại của nước Cộng hòa Pháp ở tỉnh Aix-en Provence. Bộ tài liệu này chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến Hàm Nghi.
Có thể lập bảo tàng nghệ thuật vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày
Theo bà Amandine Dabat, vua Hàm Nghi đã khám phá nghệ thuật phương Tây ngay từ giai đoạn đầu bị lưu đày.
Ông được đào tạo bởi họa sĩ nổi tiếng Marius Reynaud ở Algerie và nhà điêu khắc Auguste Rodin, đồng thời tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ đương thời, trong đó có những người sau này đã trở thành bạn thân của ông.
Trong quá trình sáng tác, vị vua lưu đày Hàm Nghi đã mượn một số quy tắc hội họa từ phong trào ấn tượng và hậu ấn tượng, sau đó tái hiện trong các tác phẩm của mình, tạo ra một phong cách rất cá nhân, "thoát khỏi mọi trường phái".
Tác phẩm của ông hài hòa, cân đối và rất nhạy cảm, ít được triển lãm nhưng công chúng đón nhận khá nồng nhiệt.
Nghiên cứu của bà Amandine Dabat còn cho thấy vua Hàm Nghi không chỉ giới hạn trong mỹ thuật mà còn thực hành nghề mộc và nghề đan lát. Sự tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây đã giúp ông phát triển một phong cách nghệ thuật sáng tạo, không theo khuôn mẫu.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân nhận xét cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger là một nghiên cứu nghệ thuật chưa từng có ở Việt Nam.
Theo ông Xuân, tác giả đã kết hợp được 2 nguồn tài liệu của tư nhân và chính quyền một cách "vô tiền khoáng hậu". Công trình nghệ thuật đồ sộ của Amandine có thể giúp Thừa Thiên Huế lập một bảo tàng nghệ thuật vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày.
Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông là em trai của 2 vị vua triều Nguyễn khác là Đồng Khánh và Kiến Phúc.
Năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13, lấy niên hiệu Hàm Nghi.
Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra vùng núi Tân Sở (nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.
Vua Hàm Nghi bị bắt ngày 30/10/1888, rồi bị đày sang Algerie (châu Phi). Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Alger khoảng 12km cùng vợ con cho đến khi mất do ung thư dạ dày.
Khi bị lưu đày sang Algeria lúc mới 18 tuổi, dù mang thân phận tù nhân chính trị, vua Hàm Nghi vẫn dành cả cuộc đời cho nghệ thuật.