Du khách chụp hình lưu niệm tại Ngọn lửa Xuân Mậu Thân - Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xã Tân Nhựt.
Nghi thức dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh tại Quảng trường khu truyền thống cách mạng Xuân Mậu Thân 1968.
Hành trình về nguồn tham quan tuyến điểm Di tích lịch sử mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Khu di tích Láng Le Bàu Cò, xã Tân Nhựt gắn liền với với những trận đánh lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1948. Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2003.
Năm 2002, Khu Di tích lịch sử Rạch Già được xây dựng để tri ân, tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh. Di tích đã được UBND TPHCM xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2008.
Tượng đài dân công tuyến lửa tại Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc.
Bình Chánh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử với hơn 77 công trình lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật. Nơi đây được ví như “Bảo tàng sống” với các “Địa chỉ đỏ” lưu dấu những chiến công của thế hệ cha ông đã anh dũng hi sinh vì độc lập dân tộc.
Hành trình về “địa chỉ đỏ” Bình Chánh, người dân và du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm mà còn thành tâm tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước, như: Khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (xã Tân Nhựt), Khu Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 (xã Vĩnh Lộc A), Di tích lịch sử Rạch Già (xã Hưng Long),…
Năm 2010, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968.
Tháng 10, đồng hành trong chuyến về thăm Vùng đất thiên nhiên tươi đẹp Bình Chánh là những cơn mưa rào mát rượi. Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình, chúng tôi ghé đến Khu Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 thuộc xã Vĩnh Lộc A.
Khai thác các khu di tích đúng mục đích để phát huy tốt giá trị, tiềm năng của di tích lịch sử văn hóa gắn liền với nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm làm sao để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, ông Tâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm quản lý các di tích lịch sử, dịch vụ văn hóa huyện Bình Chánh cho biết, Bình Chánh có các điều kiện thuận lợi về các khu điểm du lịch cũng như các khu di tích lịch sử.
Thời gian qua, huyện đã kết hợp cùng các phòng ban như phòng kinh tế, văn hóa, thông tin, giáo dục và huyện đoàn tổ chức các chương trình tour du lịch cho các đoàn khách và các công ty đến tham quan, trải nghiệm cũng như tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn huyện.
Cô Bảy Phạm Thị Oi cùng BGĐ Trung tâm thắp nén nhang tưởng nhớ 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc.
Tại các khu di tích lịch sử thuộc quyền quản lý của Trung tâm, chúng tôi đã tổ chức đón tiếp chu đáo và giới thiệu cùng đông đảo du khách về giá trị lịch sử mà về thiên nhiên nên thơ, gần gũi. Điển hình như Khu truyền thống Xuân Mậu Thân 1968 mới đưa vào hoạt động gần đây đã và đang được khai thác hiệu quả. Với không gian sinh động đã trở thành điểm hấp dẫn thu hút được nhiều khách tham quan chương trình tour ngoại thành.
Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh liên kết các điểm di tích với nhau, đưa ứng dụng công nghệ số, thuyết minh tự động cùng không gian 3D sống động để giới thiệu đến khách tham quan trực quan hơn, Giám đốc Trung tâm cho hay.
Cô Bảy kể chuyện lịch sử hào hùng và hi sinh của cha ông cho các bạn học sinh Tiểu học Vĩnh Lộc 2.
Cô Bảy Oi thường xuyên đến đây để thăm các đồng đội đã ngã xuống của minh. Cô giống như một hướng dẫn viên thực thụ khi chia sẻ những câu chuyện lịch sử hào hùng cùng với khách tham quan.
“Hòa bình, được sống đầy đủ nghĩ mà thương các anh chị, nên cô muốn thế hệ trẻ biết được chiến tranh khốc liệt ra sao. Mỗi lần ra bia thắp hương tại Khu Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân cô thấy rất xúc động. Giờ khu di tích được trùng tu, xây dựng lại khang trang cô cũng thấy vui, các anh chị liệt sĩ nằm đây cũng được an ủi được phần nào”, cô Bảy Oi tâm sự.
Chương trình tour về nguồn về thăm các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện Bình Chánh là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Ông Ngô Minh Trung, Trưởng ban công tác MTTQVN ấp 6, xã Vĩnh Lộc A nhận định.
Theo ông Trung, trước đây tour du lịch về nguồn chủ yếu dành cho các cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ... thì những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng thu hút các bạn trẻ.
Em Thiên Hà, học sinh lớp 4A trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, huyện Bình Chánh chia sẻ: “Đến thăm Khu Di tích, được xem chứng tích lịch sử còn lưu giữ lại và nghe bà Bảy kể lại câu huyện hào hùng của quân dân quê hương mình vời những chiến công hào hùng của cha ông, em rất xúc động.
“Đây cũng là dịp để em hiểu hơn về lịch sử dân tộc và thấy tự hào hơn về quê hương Vĩnh Lộc mình, em càng trân trọng cuộc sống này hơn, phấn đấu rèn luyện, học tập tốt hơn”, Thiên Hà cho hay.
Không gian lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh và tái hiện cuộc Tổng tiến công - nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Du khách nghe HDV thuyết minh và xem các hình ảnh tư liệu trực quan.
Nơi đây còn lưu lại các hiện vật, hình ảnh, thước phim tài liệu về cuộc đấu tranh kiên trung của cha ông.
Cô Phạm Thị Đán, ngụ tại Sư Vạn Hạnh, Q.10 xúc động chia sẻ, hôm nay được dịp trở về vùng đất thiêng liêng, để thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, tự do cho dân tộc mà còn là dịp tìm hiểu về vùng đất, con người, văn hóa của địa phương.
Du khách tham quan Không gian tái hiện những trận đánh ác liệt vào Tết Mậu Thân 1968.
Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, đúng vào dịp Giao thừa Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt một đã được phát động trên toàn miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau.
Bộ đội chủ lực tấn công, đánh phá các cứ điểm của địch tại khu vực Q.5 – Chợ Lớn.
“Đến nơi đây tham quan, tôi rất xúc động khi được hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các thế hệ cha ông đi trước; chuyến đi thật sự ý nghĩa đối với các thành viên chúng tôi”, cô Trương Thị Mỹ Tâm chân tình nói.
Có thể thấy rằng các di tích lịch sử không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho ngưòi dân, thế hệ trẻ mà còn là điểm đến thú vị ngày càng được nhiều du khách ưa chuộng. Để phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với du lịch, thời gian qua Sở du lịch TP.HCM đã phối hợp vói các doanh nghiệp lữ hành và ngành văn hóa xây dựng những câu chuyện để kể cho các du khách về các chứng tích lịch sử.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, việc quảng bá, giới thiệu các địa chỉ đỏ của TP.HCM cần sự đột phá hơn. “TP.HCM rất đa dạng về văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và lịch sử. Chính vì vậy ngoài việc truyền thông một cách tổng quát thì trong năm 2023, chúng tôi hướng tới những câu chuyện, những “ngách” về đặc trưng của TP.HCM, về lịch sử để viết nên những câu chuyện nhằm thu hút không chỉ du khách trong nưóc mà còn du khách quốc tế”.