'Hành lang tử thần' đã giúp thành phố Leningrad tồn tại trong vây hãm như thế nào?

28/03/2025 18:23

Trong năm 1943, tuyến đường sắt nối thành phố Leningrad với bên ngoài giúp người dân và binh sĩ chiến đấu bảo vệ thành phố bị vây hãm. Phát xít Đức cũng nhận ra điều này và sử dụng mọi loại hỏa lực để ngăn chặn, nhưng bất thành.

Suốt 16 tháng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thành phố Leningrad (ngày nay là Saint Petersburg) tồn tại trong vòng vây của phát xít Đức và đồng minh. Kết nối duy nhất của thành phố với phần còn lại của Liên Xô là qua “Con đường sự sống” chạy qua hồ Ladoga đóng băng, nhưng con đường này không thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của một thành phố lớn.

Nhiều nỗ lực nhằm phá vây cho Leningrad bị vây hãm đã thất bại. Tới tận cuối năm 1943, Hồng quân mới phá vây thành công. Vào ngày 18-1-1943, trong Chiến dịch Spark, Hồng quân Liên Xô đã đột phá vào bờ phía nam của hồ Ladoga và tạo ra một hành lang trên bộ dài 33km và chỉ rộng 11km, nối liền Leningrad với bên ngoài.

Trong thời gian bị vây hãm, rất nhiều người dân thành phố Leningrad đã thiệt mạng vì đói, rét và bệnh tật. Ảnh: RIAN 

Khi các trận chiến vẫn chưa kết thúc, thì công nhân và nhân dân Liên Xô đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt với tên gọi “Con đường Chiến thắng” để chuyển lương thực, vũ khí và đạn dược tiếp tế trong thành phố. Tuy nhiên, con đường này còn có tên gọi khác là “Hành lang tử thần” vì những hy sinh, mất mát để xây dựng và duy trì nó.

Nhiệm vụ dường như bất khả thi

Dù nỗ lực chiến đấu, nhưng Hồng quân Liên Xô vẫn không thể mở rộng đầu cầu nối vào thành phố Leningrad và buộc phải xây dựng tuyến đường sắt trên dải đất hẹp giành lại từ tay quân phát xít. Địa hình cực kỳ lầy lội và gồ ghề có thể nhìn thấy rõ từ Cao nguyên Sinyavinskiye nằm trong tay phát xít Đức. Chúng từ đây vẫn bắn phá con đường người dân Liên Xô đang xây dựng.

Công việc bắt đầu vào ngày 22-1-1943, chỉ 4 ngày sau khi vòng vây của phát xít xung quanh Leningrad bị phá vỡ trong điều kiện bão tuyết khủng khiếp.

“Tuyết ngập đến thắt lưng, đóng băng và nước chảy róc rách dưới tuyết. Các phương tiện không thể đi qua. Người ta phải dùng túi đựng chiến lợi phẩm. Mọi người đổ đất vào hố và kéo trên vai đến đường ray xe lửa. Đất cũng được vận chuyển bằng xe trượt tuyết. Ngay cả chúng tôi cũng phải cải tiến một chiếc xe ngựa của phát xít Đức để vận chuyển đất. Chúng tôi đã đắp một bờ kè, nhưng nó bắt đầu lún xuống đầm lầy. Trước tiên, chúng tôi phải đặt những tấm đá phiến lên than bùn rồi mới đổ đất lên trên. Mọi người làm việc cả ngày lẫn đêm”, Thiếu tá Yashchenko, Chỉ huy Tiểu đoàn Đường sắt số 57 nhớ lại.

Ngoài ra, đường sắt phải được xây dựng qua Sông Neva. Vào ngày 24-1, việc xây dựng một cây cầu đập tràn không có nhịp cầu đã bắt đầu. Xuôi về phía hạ lưu 500m, một cây cầu khác bắt đầu được xây dựng, cao 8m để tàu thuyền có thể qua lại.

Các cuộc tấn công của phát xít Đức vào những cây cầu này hầu như không bao giờ dừng lại. Trong khi một công trình bị hư hại đang được xây dựng lại, thì công trình còn lại tiếp tục duy trì hoạt động.

Công nhân xây dựng và chiến sĩ Hồng quân xây dựng tuyến đường sắt "Hành lang tử thần" trong giá rét và hỏa lực của quân phát xít. Ảnh: Lenta 

“Hành lang tử thần”

Chuyến tàu chở thực phẩm đầu tiên đã đến Leningrad vào ngày 7-2. Các chuyến tàu được khởi hành vào ban đêm và hàng hóa quân sự trong thành phố được chuyển ra ngoài cung cấp cho mặt trận. Một điều đáng ngạc nhiên là trong những tháng ngày bị vây hãm, các nhà máy quân sự trong thành phố vẫn hoạt động.

Nhiều công nhân xây dựng, nhân viên và lính gác đường sắt thích cái tên gọi “Hành lang tử thần” hơn là tên chính thức là “Con đường Chiến thắng”. Trong quá trình xây dựng, mỗi ngày có hàng chục công nhân, chiến sĩ Hồng quân hy sinh vì hỏa lực của quân phát xít.

Kể cả khi tuyến đường đi vào hoạt động, máu của người dân Liên Xô vẫn đổ xuống. Để giảm thiểu tổn thất, các nữ điều khiển giao thông cầm đèn lồng xuất hiện trên đường, hạn chế khả năng quan sát của đối phương và cảnh báo các đoàn tàu về sự cố đường ray hay các đoàn tàu bị hư hỏng do trúng đạn.

Đoạn nguy hiểm nhất của con đường được coi là km thứ 30, nơi khu rừng kết thúc và tuyến đường vượt qua một cánh đồng mở rộng lớn. Ở đó, các đoàn tàu Liên Xô hiện rõ, buộc lái tàu phải tăng tốc để vượt qua nhanh nhất có thể.

“Chúng tôi hoạt động theo cách sau: Khi đi qua khu rừng, chúng tôi tăng tốc độ và khi đến nơi an toàn, chúng tôi mới hạ tốc độ đoàn tàu. Trong thời gian này, than trong lò được đốt theo cách tỏa ra ít khói nhất có thể. Khi bọn phát xít nổ súng, đoàn tàu phải được tăng tốc nhanh nhất có thể. Thao tác này lặp đi, lặp lại như trò chơi với tử thần”, lái tàu Vasily Eliseev kể lại.

Vào mùa xuân, ngoài quân Đức, một kẻ thù khác xuất hiện chính là tuyết tan. “Con đường Chiến thắng” từ vượt qua băng giá, chuyển sang vượt qua đầm lầy. Dưới hỏa lực của kẻ thù, công nhân đường sắt liên tục khôi phục lại nền đường sắt và các đoàn tàu phải lội nước ra vào thành phố Leningrad.

“Hành lang tử thần” đã vận chuyển 75% nhu yếu phẩm cho thành phố Leningrad trong thời gian bị vây hãm. Ảnh: Rian 

“Hành lang tử thần” cứu sống thành phố anh hùng

Nhờ “Hành lang tử thần”, Leningrad đã được cứu khi khối lượng nhu yếu phẩm chuyển vào thành phố lớn gấp nhiều lần so với con đường vượt hồ Ladoga.

Từ tháng 2-1943 cho đến khi vòng vây xung quanh Leningrad bị phá bỏ hoàn toàn vào tháng 1-1944, 4.729 chuyến tàu đã đi qua tuyến đường sắt độc đáo này. Tuyến đường này chiếm 75% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển đến thành phố.

Sau khi giao thông đường sắt được khôi phục trên các vùng lãnh thổ được giải phóng vào tháng 3-1944, “Hành lang tử thần” đã ngừng hoạt động. Trong toàn bộ thời gian hoạt động, 1.500 đầu máy xe lửa đã bị phát xít Đức phá hủy trên con đường.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hanh-lang-tu-than-da-giup-thanh-pho-leningrad-ton-tai-trong-vay-ham-nhu-the-nao-821580
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hanh-lang-tu-than-da-giup-thanh-pho-leningrad-ton-tai-trong-vay-ham-nhu-the-nao-821580
    Nổi bật
        Mới nhất
        'Hành lang tử thần' đã giúp thành phố Leningrad tồn tại trong vây hãm như thế nào?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO