Hàng không Việt: Thị trường quốc tế tăng trưởng nhanh, nội địa sụt giảm

30/07/2024 11:01

Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước phục hồi rất nhanh chóng, đặc biệt là mạng đường bay quốc tế và lượng hành khách vận chuyển.

Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mạng đường bay quốc tế của các hãng bay Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn và mở rộng sang các thị trường khác nên có sự tăng trưởng tốt, trong khi đó thị trường nội địa sụt giảm do thiếu hụt máy bay.

Bay quốc tế gia tăng, nội địa “hụt hơi”

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong sáu tháng qua, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Mạng đường bay quốc tế đã khôi phục tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia...

Cụ thể, 10 thị trường quốc tế có số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Hongkong (Trung Quốc) và Ấn Độ. Thị trường Trung Quốc mặc dù chưa đạt được mức sản lượng khách năm 2019 nhưng đã có tín hiệu hồi phục tích cực.

Bên cạnh đó, các thị trường khác đều đã tiệm cận hoặc tăng trưởng nhẹ, đặc biệt với thị trường Australia và Ấn Độ đã có sự tăng trưởng mạnh.

Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết và khi bước vào giai đoạn nghỉ hè, các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt đều được các hãng hàng không khai thác với sản lượng và tần suất tăng cao.

Tổng thị trường hành khách trong sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 37 triệu khách (tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách (bằng 97% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, hành khách nội địa thông qua đạt hơn 34 triệu khách và hành khách quốc tế đạt hơn 20 triệu khách (tăng 38% cùng kỳ năm 2023). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%.

Riêng thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 17 triệu khách nội địa (bằng 82% so với cùng kỳ năm 2023).

may bay hang k 10082021.jpg
Các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng do khó khăn về đội bay vì triệu hồi động cơ máy bay nên các hãng phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 20 cảng hàng không trên cả nước.

Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo trong cả năm 2024, hoạt động khai thác thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng và là động lực chính cho sự tăng trưởng chung của toàn thị trường, trong khi thị trường nội địa tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung do các yếu tố khách quan (thiếu hụt máy bay, tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu...).

Nhà nước hỗ trợ, đồng hành cùng hãng bay

Theo ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, thị trường hàng không đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài việc phải ứng phó với những tác động tiêu cực sau COVID-19, hàng không còn đối mặt với các thách thức như sụt giảm đội bay. Đội bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40-45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways và Pacific Airlines).

“Các hãng cũng khó tìm được máy bay thuê để bổ sung do giá thuê tăng cao, chưa kể giá nhiên liệu cũng tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ... Các yếu tố này khiến nguồn cung bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa trong một số giai đoạn cao điểm (ngày lễ, Tết),” ông Cẩm nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành để có giải pháp quản lý hiệu quả, cải thiện tối ưu năng lực và các điều kiện khai thác.

vnp_bao duong may bay Vietnam Airlines 0610.jpg
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra bảo dưỡng động cơ máy bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến việc thiếu máy bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có các phương án phù hợp./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/hang-khong-viet-thi-truong-quoc-te-tang-truong-nhanh-noi-dia-sut-giam-post967571.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/hang-khong-viet-thi-truong-quoc-te-tang-truong-nhanh-noi-dia-sut-giam-post967571.vnp
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàng không Việt: Thị trường quốc tế tăng trưởng nhanh, nội địa sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO