"Việc Hà Nội cấm xe máy là câu chuyện dài và nhiều tập, nói đi nói lại nhiều năm qua nhưng khó để thực hiện vì thành phố không có lộ trình", GS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải, khẳng định khi nói về việc Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030.
Trong hai năm tới, UBND Hà Nội giao Sở GTVT thành phố xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Trên thực tế, đề án này từng được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2017 và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Nguy cơ cấm xe máy lại chuyển sang đi ô tô cá nhân
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, GS. Từ Sỹ Sùa cho rằng thành phố đặt ra cột mốc 2030 là chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn. Theo ông, chừng nào vận tải hành khách công cộng chưa thể đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân thì Hà Nội chưa thể cấm xe máy.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi "cấm xe máy, trong khi giao thông công cộng chưa phát triển thì người dân đi bằng gì" và cho rằng Hà Nội cần một lộ trình dài để giải bài toán này.
Ông dẫn số liệu cho thấy vận tải hành khách công cộng hiện mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, xe buýt không được đầu tư thì khó để kỳ vọng người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.
"Hà Nội phải phát triển được vận tải hành khách công cộng thì mới tính đến phương án cấm xe máy chứ không phải ngược lại. Vì nhu cầu đi lại của người dân là tất yếu không thay thế được, chỉ có thể thay thế phương thức di chuyển", ông Sùa nói.
Vị giáo sư cũng lấy ví dụ trên thế giới, các đô thị đặc biệt trên 10 triệu dân đều cấm xe máy nhưng kế hoạch này đã được tính toán kỹ bao gồm cả lộ trình, quy hoạch cụ thể.
Trong khi cùng với kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô, ông Sùa cho rằng các đề án mà Hà Nội đưa ra đều không có mục tiêu, lộ trình, cơ sở thực tiễn. Một số đề án "đá nhau" nên khó nhận được sự đồng thuận của người dân.
Về mốc thời gian 2030, vị chuyên gia khẳng định Hà Nội khó thực hiện được. Ông lý giải trong 10 năm, thành phố mới có thể hoàn thành 12km của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đến năm 2030, thành phố khả năng chỉ có thêm một tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Hai tuyến này chỉ có thể đáp ứng tối đa 11-12,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Vì vậy, ông Sùa cho rằng mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân còn quá xa vời. Trước khi đạt được mục tiêu này, thành phố không nên tính đến chuyện cấm xe máy vào 12 quận nội thành.
Cùng quan điểm, Ths. Vũ Anh Tuấn, Chuyên gia quy hoạch giao thông, cho biết trong bài toán quản lý giao thông, các nhà quản lý đều muốn người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang xe buýt và đường sắt đô thị. Nhưng câu hỏi đặt ra là năng lực của các phương tiện công cộng đã đủ để phục vụ toàn bộ lượng người chuyển từ xe máy sang chưa?
Theo ông Tuấn, năng lực phục vụ ở đây không chỉ là số ghế ngồi cho hành khách mà còn bao gồm chất lượng dịch vụ, mức độ thuận tiện, chi phí, thời gian...
Ông nhận định xe buýt ở Hà Nội hiện cũng chịu chung cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm nên những tuyến buýt chính không thể tăng thêm được lượng hành khách, người đi xe máy cũng không thể chuyển đổi sang xe buýt với số lượng lớn.
Giải pháp còn lại, ông Tuấn cho rằng phụ thuộc vào hệ thống đường sắt đô thị. Nhưng từ nay đến năm 2030, số lượng 2-3 tuyến metro được vận hành cũng chỉ đáp ứng được trên 10% nhu cầu đi lại của người dân. Trong bối cảnh này, nếu bị cấm xe máy, người dân sẽ có lựa chọn cuối cùng là ô tô cá nhân.
Trong khi đó, chuyên gia nhận định ô tô là phương tiện gây nguy cơ ùn tắc và tạo ra lượng phát thải cao hơn xe máy. Ông Tuấn ước tính nếu người dân chuyển từ xe máy sang ô tô cá nhân, ùn tắc sẽ tăng gấp 5 lần, ô nhiễm môi trường cũng tăng theo.
Nên cấm xe máy theo nguyên tắc "vết dầu loang"
Góp ý cho đề án cấm xe máy của Hà Nội, GS. Từ Sỹ Sùa cho rằng thành phố vẫn có thể thực hiện nhưng cần lên lộ trình cụ thể và tiến hành theo nguyên tắc "vết dầu loang". Tức là cấm xe máy thí điểm ở khu vực nhỏ trước như vùng lõi 4 quận nội thành, sau đó mới mở rộng dần ra các khu vực lân cận.
Cùng với đó, đơn vị chức năng có thể nghiên cứu cách thức cấm xe máy theo giờ, đang được áp dụng ở khu vực phố đi bộ hồ Gươm vào cuối tuần. Việc này tạo ra thói quen cho người dân và giúp giảm thiểu lượng phương tiện lưu thông vào một khung giờ cố định.
Vị chuyên gia khuyến cáo quá trình xây dựng đề án, sở ngành của Hà Nội cần đưa ra mốc thời gian và mục tiêu cụ thể. Việc này nhằm thông báo cho người dân cũng như nhà sản xuất xe máy để không ai chịu cảnh "vừa mua xe máy đã phải vứt đi".
"Cần lên lộ trình cấm theo từng không gian, thời gian và có khu vực cấm hẳn, có nơi chỉ nên hạn chế. Còn nếu nói cấm tất cả xe máy vào nội thành là rất cứng nhắc", ông Sùa nêu quan điểm.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Anh Tuấn cho rằng Hà Nội không thể duy trì hệ thống giao thông như hiện nay mà cần tính toán để thay đổi phù hợp trong từng giai đoạn.
Theo ông, Hà Nội cần xem xét ở những không gian nào thì xe máy được khuyến khích như từ nhà ở trong ngõ ra các điểm trung chuyển, ga metro... Trong khi trên những trục đường chính, các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, thành phố có thể xem xét hạn chế xe máy hoạt động.
"Để làm được điều đó, giữa giao thông bằng xe máy và phương tiện công cộng phải có sự kết hợp thay vì triệt tiêu cái này để cái kia tồn tại", Ths. Vũ Anh Tuấn nêu quan điểm.