Hà Nội kiến nghị kiểm định khí thải xe máy, thu hồi xe quá hạn sử dụng

Thế Kha| 28/07/2023 15:55

Chúng tôi mong các ban ngành sẽ có chính sách, xây dựng quy chuẩn về kiểm định khí thải xe máy. Có quy định thu hồi xe máy quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí và mất an toàn giao thông".

Đề xuất trên được bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra tại tọa đàm "Quản lý Chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm" do báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, sáng 28/7.

Hà Nội kiến nghị kiểm định khí thải xe máy, thu hồi xe quá hạn sử dụng - 1

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Ảnh: Mạnh Thắng).

Bà Chi hi vọng Luật Thủ đô sửa đổi tới đây sẽ đưa ra những quy định mang tính đột phá trong bảo vệ môi trường, có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó tạo được khung pháp lý để Hà Nội được hỗ trợ về nguồn lực tài chính và nhân lực về cả số lượng và chất lượng.

Dẫn chứng việc Hà Nội hiện chỉ có khoảng 50 người làm quản lý môi trường, ở địa phương còn ít hơn, bà Chi mong muốn Luật Thủ đô sửa đổi cũng có chính sách thu hút nhân tài, tạo nguồn lực cho vấn đề bảo vệ môi trường.

"Không chỉ số lượng, chất lượng nhân lực cũng cần được cải thiện. Rồi làm sao thu hút được nguồn lực, từ trong và ngoài nước, để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường cũng là thách thức lớn nhất hiện nay", bà Chi nêu quan điểm.

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong lĩnh vực quản lý môi trường không khí và đưa ra giải pháp giảm thiếu ô nhiễm. Hà Nội đã thí điểm áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm.

Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch chương trình, xác định nguồn thải chính đang xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Từ việc xác định ô nhiễm không khí một phần do hoạt động dân sinh, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt nên 2-3 năm qua đã chấm dứt việc dùng than tổ ong. Người dân cũng ý thức được dừng đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng không khí, giao thông hay an toàn khu vực sân bay.

Hà Nội kiến nghị kiểm định khí thải xe máy, thu hồi xe quá hạn sử dụng - 2

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất quy định thu hồi xe máy quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí và mất an toàn giao thông (Ảnh: Hải Long).

Ô nhiễm không khí là "sát thủ vô hình"

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng nhận định, ô nhiễm không khí là "sát thủ vô hình", bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan.

Việc đo lường chất lượng không khí phải dùng đến các công cụ phức tạp, trong khi hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.

"Đâu đó ở các địa phương vẫn có tinh thần hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, không đúng tinh thần của Đảng, Chính phủ. Ngoài ra khung pháp lý còn chưa đầy đủ, là rào cản cho việc quản lý ô nhiễm không khí", Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, ngay sau khi Luật Bảo vệ Môi trường được ban hành, Bộ này đã và đang triển khai nhiều biện pháp.

Trong đó, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Đến nay đã có 9 địa phương xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.

"Theo tôi phải xác định được nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do công nghiệp, giao thông, dân sinh,…", ông Nam nói.

Hà Nội kiến nghị kiểm định khí thải xe máy, thu hồi xe quá hạn sử dụng - 3

Đốt rơm rạ vẫn phổ biến sau vụ gặt lúa ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Hữu Nghị).

Để kiểm soát ô nhiễm không khí từ công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, sửa đổi kỹ thuật quốc gia về chất lượng công nghiệp để các đơn vị lấy đó là thước đo.

Đối với kiểm soát khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động như ô tô, xe máy, Bộ đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; rà soát thực tế để đưa ra những sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9 tới. Quy chuẩn này đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng không khí, đặc biệt tại một số thông số quan trọng như bụi (quy chuẩn cũ thông số trung bình ngày là 50 mg/m3, quy chuẩn mới giảm xuống 45 mg/m3).

18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước cũng đang được xây dựng nhằm bổ sung chương trình giám sát chất lượng không khí.

"Với 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp. Nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục", ông Nam thông tin tại tọa đàm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội kiến nghị kiểm định khí thải xe máy, thu hồi xe quá hạn sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO