Hà Nội: Cán bộ bị kỷ luật không được phân công, bổ nhiệm chức vụ cao hơn

Nguyễn Hải| 09/05/2023 13:56

Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật, đây là nội dung trong Quy định số 12-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội vừa ban hành.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Quy định số 12-QĐ/TU của Thành ủy về "Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử".

Quy định có 7 mục về "Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn".

Trong đó, ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn phải không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn còn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quy định nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian 12 tháng (tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực) đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Hà Nội: Cán bộ bị kỷ luật không được phân công, bổ nhiệm chức vụ cao hơn - 1

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới ký ban hành Quy định số 12-QĐ/TU của Thành ủy về "Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử" (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cũng theo quy định này, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ phải xem xét, báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về việc xin chủ trương bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ.

Đáng chú ý, Quy định số 12-QĐ/TU nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ của các cơ quan trong công tác cán bộ.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về cán bộ và công tác cán bộ.

Khi thay đổi, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan hiệp quản cấp thành phố do bộ, ban, ngành trung ương quản lý, Ban Thường vụ Thành ủy tham gia ý kiến để Đảng đoàn, Ban cán sự đảng hoặc lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương xem xét, quyết định.

Trường hợp có ý kiến khác nhau, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Theo Quy định số 12-QĐ/TU, cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu.

Quy định số 12-QĐ/TU của Thành ủy về "Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử".

Quy định gồm 7 chương, 39 điều nêu rõ các quy định cụ thể về phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ; miễn nhiệm, cho từ chức và bố trí cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cán bộ bị kỷ luật không được phân công, bổ nhiệm chức vụ cao hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO