Giới chuyên gia 'mổ xẻ' nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban

18/09/2024 10:46

Đã có 9 người đã thiệt mạng và khoảng 2.750 người bị thương khi máy nhắn tin phát nổ hàng loạt trên khắp Liban. Diễn biến này khiến nhiều người băn khoăn rằng bằng cách nào, một thiết bị liên lạc được coi là lỗi thời ở nhiều nơi trên thế giới lại có thể trở thành vũ khí nguy hiểm chết người?

Chú thích ảnh
Người dân tập trung bên ngoài Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban sau vụ nổ máy nhắn tin khiến hàng nghìn người bị thương. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Chuỗi vụ nổ bắt đầu vào khoảng 4 giờ 45 phút chiều 17/9 và kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ. Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad nói với Al Jazeera: "Khoảng 2.750 người bị thương, … hơn 200 người trong số họ ở trong tình trạng nguy kịch" với các vết thương chủ yếu ở mặt, tay và bụng. Đại sứ Iran tại Liban – ông Mojtaba Amani, cũng bị thương trong vụ nổ.

Lý do máy nhắn tin vẫn phổ biến ở Liban

Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc nhỏ được sử dụng phổ biến trước điện thoại di động. Chúng hiển thị tin nhắn văn bản ngắn cho người dùng.

Không giống như điện thoại di động, máy nhắn tin hoạt động trên sóng vô tuyến. Nhà mạng gửi tin nhắn bằng tần số vô tuyến chỉ có ở thiết bị của người nhận. Người ta cho rằng công nghệ cơ bản được sử dụng trong máy nhắn tin cũng như việc chúng phụ thuộc vào phần cứng vật lý có nghĩa là chúng khó bị theo dõi hơn. Do đó, máy nhắn tin phổ biến với các lực lượng như Hezbollah vốn ưu tiên cả tính di động và an ninh.

Thành viên Hezbollah cũng sử thiết bị công nghệ thấp như bộ đàm để tránh bị tình báo Israel chặn thông tin liên lạc. Họ có thể gửi tin nhắn được mã hóa mà không tiết lộ vị trí của mình. Máy nhắn tin cũng thường xuyên được sử dụng tại các cơ sở y tế ở Liban.

Hezbollah cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ việc và cam kết sẽ trả đũa. Trong khi đó, Israel chưa lên tiếng phản hồi về cáo buộc này.

Dưới đây là video về một vụ nổ máy nhắn tin tại Liban ngày 17/9 do máy quay giám sát ghi lại (nguồn: Reuters):

Chuyên gia nhận định điều khiến máy nhắn tin phát nổ

Nhiều chuyên gia nhận định rằng các máy nhắn tin đã bị can thiệp để khiến pin của chúng nóng lên cho đến khi phát nổ. Bộ trưởng Viễn thông Liban Johnny Corm nói với Bloomberg rằng việc pin quá nóng cho thấy "có hành vi gian lận".

Nhưng chuyên gia an ninh mạng Robert Graham đã bác bỏ lý thuyết đó. Ông phân tích trên mạng xã hội X rằng khó có thể khiến pin cháy. Theo ông Graham, khả năng có người đã hối lộ nhà máy sản xuất để cài thuốc nổ.

Một số ý kiến khác cho rằng có tín hiệu điện tử kích hoạt hàng loạt vụ nổ. Ông Mark Montgomery tại của Ủy ban Solarium An ninh mạng (Mỹ) chia sẻ: “Nếu đúng như vậy, tôi nghi ngờ đó là một nhược điểm vật lý cố ý do mạng hoặc tín hiệu tần số vô tuyến tác động”.

Đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah đã chiếu hình ảnh về máy nhắn tin Motorola được sử dụng trước vụ tấn công. Các lãnh đạo Hezbollah cáo buộc những máy nhắn tin này đã được kích nổ bằng công nghệ cao bởi Israel. Motorola đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu của Bloomberg bình luận về vụ việc.

Trong khi đó, giáo sư Deepa Kundur tại Đại học Toronto (Canada) nói rằng bà nghi ngờ đây là do chuỗi cung ứng. Theo bà, thủ phạm sẽ xâm nhập vào chuỗi cung ứng thượng nguồn của máy nhắn tin để sản xuất một thành phần quan trọng có tích hợp thuốc nổ, mà nhà cung cấp cuối cùng không hề hay biết. Thành phần nổ có thể nằm trong máy nhắn tin trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi phát nổ. Chúng chỉ nổ khi nhận được tin nhắn kích hoạt bộ phận đã sửa đổi.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc họ đứng sau các cuộc tấn công. Nhưng ông Matthew Levitt của Viện Washington phân tích rằng đây cũng có thể  là một chiến công tình báo khá quan trọng đối với Israel, cho thấy họ đã xâm nhập được vào các kênh an ninh của Hezbollah. Các quan chức Mỹ trong khi đó khẳng định họ không biết trước về các máy nhắn tin phát nổ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giới chuyên gia 'mổ xẻ' nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO