Theo guồng quay của thị trường nhạc Việt, những tháng cuối năm là lúc các ca sĩ tất bật chạy show, sản xuất nhạc quảng cáo, hoặc làm đại diện hình ảnh cho các nhãn hàng.
Từ tháng 10, các ca sĩ đồng loạt ra mắt sản phẩm mới, cạnh tranh từng “mét vuông” về sức hút để có cơ hội chạy show và được các nhãn hàng để ý. Hàng năm, từ giai đoạn tháng 12 cho đến trước Tết Nguyên đán, thị trường gần như chỉ toàn sản phẩm nhạc quảng cáo.
Tình thế đảo ngược
Orange là ca sĩ trẻ đang có sức hút trên thị trường. Thế nhưng, giọng ca sinh năm 1997 tiết lộ lịch trình cuối năm của cô không quá bận rộn. Orange vẫn chạy show và có nhãn hàng tìm đến, song không đáng kể.
Orange là giọng ca nổi bật của thế hệ nghệ sĩ gen Z.
Một CEO một công ty âm nhạc, chia sẻ với Tiền Phong: “Theo quan sát của tôi, các nhãn hàng cắt ít nhất 50% ngân sách marketing đổ vào âm nhạc. Thông thường, các nhãn hàng đổ ngân sách marketing vào âm nhạc thông qua tài trợ MV, tổ chức đêm diễn, chọn các ca sĩ/rapper/producer… làm gương mặt đại diện. Riêng năm 2023, chỉ những tên tuổi hàng đầu thị trường mới nhận ‘job’ đều. Còn những nghệ sĩ tầm trung trở xuống, có rất ít cơ hội kiếm tiền, thậm chí từ việc đi diễn”.
CEO này dẫn chứng sâu hơn về việc, trong tất cả show âm nhạc tại Việt Nam, các chuỗi show của nhãn bia và những tổ chức lớn làm show để quảng bá thương hiệu, mang lại cát-xê cao nhất cho ca sĩ.
Chỉ riêng chuỗi show của các hãng bia, giai đoạn đỉnh điểm, có thể tổ chức đến hàng chục festival trải dài các thành phố lớn. Năm nay, chuỗi show đó giảm số lượng ít nhất 50%.
Nhóm ca sĩ/rapper có cát-xê cao ngất ngưởng như Sơn Tùng, Mỹ Tâm, Đen Vâu, Binz… càng khó chạy show. Thay vào đó, các đơn vị tổ chức show, trong tình thế bị bóp chặt ngân sách, chọn phương án thực dụng hơn, là tìm tới những ca sĩ/rapper có giá cát-xê vừa phải và đang là hiện tượng của thị trường.
Hieuthuhai, MCK, Tlinh là những nghệ sĩ chạy show tất bật từ đầu năm. Bên cạnh đó, dàn HLV, giám khảo và thí sinh Rap Việt đang tạm thời chiếm lĩnh thị trường chạy show kể từ sau đêm chung kết Rap Việt mùa 3.
“Chúng tôi không than vãn vì đây là khó khăn chung. Nhóm nghệ sĩ hàng đầu, từng kiếm rất nhiều tiền ở giai đoạn này, năm nay chắc chắn sụt giảm mạnh doanh thu. Nhóm nghệ sĩ tầm khá, trung bình khá, sẽ tiếp tục như mọi năm. Còn nhóm nghệ sĩ trẻ, tên tuổi ít, rất chật vật trong bối cảnh này.
Mọi năm, thời điểm cuối năm và đầu năm sau là lúc thị trường ngập nhạc quảng cáo. Nhưng riêng năm nay, tôi nghĩ tình thế đảo ngược, các nghệ sĩ sẽ tung nhiều sản phẩm thuần túy để duy trì tên tuổi”, vị CEO trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong phân tích.
Trong cơn bĩ cực của nhạc Việt, có một điểm sáng trỗi dậy là sự phát triển của mảng nhạc số. Một loạt nghệ sĩ tung album hoặc EP trong năm 2024, tạo nên bức tranh sôi động chưa từng có của thị trường.
Có nghệ sĩ đã ấp ủ phát hành album từ lâu. Và cũng có trường hợp, nhân thời điềm tĩnh lại của thị trường, tập trung làm album để sự nghiệp được sang trang với.
Bên cạnh chạy show và nhận ‘job’ từ nhãn hàng, nhạc số (DSP) và YouTube cũng là một mảng doanh thu của nghệ sĩ làng nhạc.
Vài năm trước, chuyện ca sĩ/rapper kiếm nhiều tiền từ nhạc số là điều rất viển vông. Nhưng hiện tại, tình thế đảo chiều từ 2 mốc đột phá: Sự đổ bộ, phát triển của các label âm nhạc vào thị trường Việt Nam và ngày càng nhiều khán giả sẵn sàng bỏ tiền, trả phí nghe nhạc trên các nền tảng, đặc biệt là DSP.
Thứ tự miếng bánh doanh thu của giới ca sĩ/rapper vẫn là: chạy show - doanh thu từ nhãn hàng - nhạc số. Trong tương lai, trình tự này hoàn toàn có thể thay đổi.
Và khi giới ca sĩ/rapper kiếm được doanh thu ổn định từ nhạc số, đủ để tái đầu tư cho sự nghiệp âm nhạc, đó mới là guồng quay đúng và hòa nhập với các thị trường hàng đầu trên thế giới.
Với mức cát-xê trên một tỷ đồng, Sơn Tùng khó có show ở giai đoạn này.
Khi nghệ sĩ bán đứt "tài sản"
Trên bình diện thị trường, đang còn đó hàng trăm, hàng nghìn nghệ sĩ vẫn miệt mài tìm cơ hội. Với nhóm nghệ sĩ này, rất khó để có cơ hội chạy show.
Khả năng để họ được nhãn hàng tìm tới, chọn làm gương mặt đại diện, hoặc đặt hàng làm nhạc quảng cáo, là bằng không trong năm nay. Nguồn thu khả dĩ duy nhất của họ là doanh thu nhạc số.
Tìm đến một rapper từng góp mặt ở sân chơi Rap Việt. Rapper này kể những năm trước, anh vẫn thỉnh thoảng chạy show ở bar, club nhỏ, hoặc các chương trình quy mô nhỏ với cát-xê dao động mức 5-10 triệu đồng/show. Năm nay, anh này đợi mòn mỏi mới có lời mời đi diễn, mức cát-xê thậm chí đi xuống, nhưng phải chấp nhận.
Nguồn thu từ chạy show không đủ để rapper này trang trải cuộc sống. Do đó, anh phải chăm chỉ làm nhạc để kiếm tiền. Rapper này chọn phương án “ăn xổi”, là làm ra bài nhạc, sau đó gửi cho nhà phát hành để ứng trước doanh thu và chấp nhận ký hợp đồng với nhiều điều khoản bất lợi.
Trước tiên, tỷ lệ chia doanh thu của rapper là tương đương phía label, hoặc thấp hơn. Với việc ứng tiền, rapper chấp nhận chuyện label được khai thác thương mại trên sản phẩm đó dài hạn hoặc thậm chí là bán đứt.
Lấy được đồng tiền đi trước là mục tiêu lớn nhất, còn những điều khoản sau đó, với rapper kể trên và nhiều nghệ sĩ trẻ khác không còn quan trọng.
Đó là cách làm của rất nhiều nghệ sĩ trẻ mới vào nghề trên thị trường hiện tại. Muốn có tiền để đầu tư cho sự nghiệp, các nghệ sĩ chấp nhận trao “tài sản” của mình cho label dài hạn, hoặc mất quyền sở hữu vĩnh viễn.
Có nhiều nghệ sĩ trẻ hoạt động vài năm, trong tay có kho nhạc từ chục bài, nhưng không còn quyền sở hữu bất kỳ tác phẩm nào.
Các nghệ sĩ đều hiểu rõ chuyện, nắm quyền kiểm soát sản phẩm, là kiểm soát tài sản lớn nhất của mình trong âm nhạc, có thể tạo ra doanh thu xuyên suốt cả đời.
Thế nhưng một số nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, họ không còn lựa chọn khi đứng trước bài toán làm sao để sinh tồn ở thị trường nhạc Việt, trong giai đoạn không có show và không được nhãn hàng để ý.
Theo Tiền Phong