Giáo viên làm thêm đủ việc, cả bóc tỏi, cuốc cỏ thuê để nuôi nghề chính

10/08/2023 18:00

Lương thấp, áp lực công việc, gánh nặng kinh tế khiến nhiều giáo viên phải làm thêm nghề tay trái mới đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Cô Ngô Thị Hường (sinh năm 1987, Hà Nội) lựa chọn bóc tỏi, cuốc cỏ thuê ngoài giờ dạy để có thêm "đồng ra đồng vào". Nhiều hôm bóc tỏi, mùi nồng xộc thẳng lên mũi cay xè, nước mắt giàn giụa. Hay những khi cuốc cỏ thuê cả buổi, lưng cô đau cứng, tay mỏi nhừ nhưng vẫn gắng gượng làm xong việc.

"Mức thù lao tôi nhận được cho 1kg tỏi rất thấp, chỉ từ 5 - 10.000 đồng. Còn với công việc cuốc cỏ thuê vào cuối tuần, mỗi ngày làm công như thế tôi được trả khoảng 200.000 đồng", cô Hường nói.

Cô Hường nhận bóc tỏi thuê ngoài giờ dạy học. (Ảnh: NVCC)

Cô Hường nhận bóc tỏi thuê ngoài giờ dạy học. (Ảnh: NVCC)

Cô Hường theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (hiện là trường Đại học Thủ đô Hà Nội) và được vào biên chế ngành giáo dục vào năm 2009. Là giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất nên ngoài tiền lương, cô Hường không có thêm khoản thu nhập nào khác.

Hiện cô hưởng chế độ giáo viên THCS hạng III, bậc 5, hệ số 3.66. Mỗi tháng, cô Hường thực lĩnh khoảng hơn 8 triệu đồng, bao gồm cả lương và phụ cấp. "Tôi vẫn duy trì nghề tay trái để có thêm chi phí nuôi con, sinh hoạt gia đình hàng ngày", cô nói và cho biết, chồng là bộ đội thường xuyên đi xa nên mọi việc trong nhà chủ yếu một tay cô gánh vác.

Dù lương thấp, cuộc sống lắm áp lực nhưng mỗi ngày cô hạnh phúc khi được đến trường. Những khi mệt mỏi, nữ giáo viên tự động viên bản thân rằng 'lựa chọn nào cũng có chông gai, chỉ cần không bỏ cuộc đã là chiến thắng rồi'. 14 năm được học trò gọi là cô giáo, được công tác trong ngành giáo dục chính là hạnh phúc với cô giáo Ngô Thị Hường.

Bảy năm qua, mỗi ngày cô Thân Thu Hằng (35 tuổi), giáo viên cấp 2 ở Ninh Bình đều đặn dắt xe ra khỏi nhà lúc 6 rưỡi sáng và trở về lúc gần 12 giờ trưa. Tranh thủ giờ trưa lo cơm nước xong xuôi, cô lại tất bật với nghề tay trái bán hàng quần áo second hand - đồ cũ hoặc đã qua sử dụng.

Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021 khi toàn bộ trường học đóng cửa, cô Hằng bắt đầu học kinh doanh online. Sau 2 năm, dần có những khách hàng quen và mối hàng ổn định, cô đánh liều mở cửa hàng.

Nữ giáo viên bộc bạch, đôi khi sự liều lĩnh sẽ mang đến những cơ hội giúp người ta "bước ra khỏi vùng an toàn" và mang đến thu nhập ổn định. Giờ đây, công việc làm thêm này giúp cô kiếm được khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng, gấp hơn 3 lần lương nhà giáo.

Cô Hằng đang nuôi 2 con độ tuổi ăn học, mỗi tháng cô chi khoảng 2,5 triệu tiền học cho con vào mẫu giáo trường tư thục, chưa kể đến tiền bỉm, sữa và sắm sửa đồ dùng, đồng phục cho con lớn học lớp 5. Nhờ kinh doanh thêm, cô rủng rỉnh vừa đi dạy, vừa lo cuộc sống của con đầy đủ.

Năm 2011, cô Hằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm Lịch sử nhưng không tìm được việc làm, phải ở nhà, phụ mẹ bán trà đá, rồi lập gia đình, sinh con.

Chờ việc mòn mỏi, cô đành ngậm ngùi xin làm công nhân ở một xí nghiệp trong suốt 2 năm. Mãi đến năm 2016, cô bắt đầu dạy hợp đồng tại một trường cấp 2 ở Ninh Bình. Là giáo viên hợp đồng, mỗi tháng, mức lương cô nhận được chỉ khoảng 4 triệu đồng. So với thời gian, áp lực công việc và công sức bỏ ra, số tiền này "không đáng là bao".

Dù vậy, cô Hằng vẫn cảm thấy vui khi mỗi ngày được đứng trên bục giảng, được bước trên con đường mà cô đam mê. "Nghề giáo vất vả, nhưng cũng rất cao quý. Nếu ai cũng chỉ biết nhìn vào lương thì sẽ rất khó để theo đuổi trọn vẹn", cô tâm sự.

Nhờ kinh doanh thêm, hiện tổng thu nhập của nữ giáo viên khá cao, nhưng cô vẫn quyết gắn bó với nghề vì duyên nợ và đam mê. Cô vui đùa "lấy nghề phụ để nuôi nghề chính, thoả ước mơ nhà giáo".

Nhiều thầy cô thừa nhận nghề giáo vất vả, lương thấp nhưng vẫn vui vì bám trụ với nghề. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều thầy cô thừa nhận nghề giáo vất vả, lương thấp nhưng vẫn vui vì bám trụ với nghề. (Ảnh minh hoạ)

Cô Nguyễn Hồng Nhi (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng tất tả bán hàng online mỗi ngày mới đủ tiền mua bỉm, sữa và tiền học cho 3 con. Cô giáo mầm non kể, mỗi tháng lương cô chỉ nhỉnh 4 triệu đồng lẻ mấy trăm.

"Chồng tôi làm công việc tự do nên thu nhập cũng không ổn định. Lương giáo viên của tôi thì không đủ trang trải cuộc sống gia đình, nếu không bán hàng online thì không biết xoay sở thế nào", cô nói và cho biết, mỗi tháng, cô kiếm được trên dưới 7 triệu đồng từ nghề tay trái này.

Cô Hồng Nhi tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương vào năm 2019. Sau một năm, cô đỗ vào biên chế và công tác tại trường mầm non gần nhà. Vào biên chế, nhiều người đều nói cô may mắn vì "có công việc ổn định" mà ít ai thấu tỏ nỗi vất vả, áp lực đến nghẹt thở của một giáo viên mầm non như cô.

"Giáo viên mầm non thật sự vất vả, không phải người trong cuộc thì khó để hiểu hết. Lương thấp, áp lực tứ bề, thời gian eo hẹp... đa số các cô đều tất bật từ sáng đến chiều", cô kể.

Ngày đi làm cô bận rộn với công việc ở trường, tối đến sẽ là thời gian bán hàng online. Mặt hàng cô Nhi lựa chọn là sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ.

Một ngày của nữ giáo viên thường kết thúc rất muộn, cho con cái ngủ, đăng bài, trả lời bình luận, tin nhắn cũng như lên đơn hàng để kịp giao sớm cho khách. Dẫu "bận tối mặt" nhưng cô Nhi hài lòng với cuộc sống hiện tại và hạnh phúc vì theo đuổi đúng đam mê của bản thân.

Có thể thấy, rất nhiều giáo viên phải làm thêm nghề tay trái để giữ trọn vẹn niềm đam mê với nghiệp cầm phấn. Câu hỏi 'bao giờ nhà giáo mới sống ổn bằng lương?' vẫn còn bỏ ngỏ...

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, trong số 19.300 giáo viên nghỉ thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Năm học 2021 - 2022, 16.265 giáo viên nghỉ việc, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ.

THI THI

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên làm thêm đủ việc, cả bóc tỏi, cuốc cỏ thuê để nuôi nghề chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO