Tôi là người cũng hay đi vãn chùa, thích đến các ngôi chùa tịch mịch trong núi, hòa vào thiên nhiên, lẫn vào cây xanh, các sư các sãi lặng lẽ ở đấy, tụng kinh gõ mõ, nâu sồng đạm bạc, khoan thai nhẹ nhõm, cứ như có như không, như ẩn như hiện. Những tiếng chuông chùa sáng sớm như thực như hư, tan vào không trung mà cũng vang vọng không trung...
Cho đến lúc, trên mạng xuất hiện rất nhiều clip các vị cao tăng rao giảng thì ngạc nhiên. Rõ ràng nó có gì đấy không đúng, rõ ràng nó phạm giới, rõ ràng nó reo rắc mê tín dị đoan..., mà chả thấy ai có ý kiến gì cả.
Cho tới khi cộng đồng mạng phản ứng.
Cũng rất lâu rồi thì giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chính thức lên tiếng, kỷ luật theo phận sự của mình.
Rồi chùa Ba Vàng cũng tuyên bố hủy bỏ khóa tu mùa hè dù trước đó, ở đợt 1 đã có tới hơn 6000 khóa sinh dự khóa tu ở chùa này với lý do: “bận một số Phật sự quan trọng trong mùa an cư kiết hạ”.
Trước đó một chút, cơ quan chức năng đã làm việc với chùa này về một cái clip xuất hiện trên mạng về một cô bé bị “vong nhập” và được sư trụ trì cho đứng trước rất đông phật tử “giải vong”.
Trước đó nữa, dân tình cũng xì xào về một số việc mà các sự trụ trì đề cập khi thuyết giảng, những là oan gia trái chủ, những là cúng dường... khiến cho cái nhìn của xã hội về phật giáo, về chùa, về các vị sư có phần giảm sự kính trọng như xưa.
Đầu năm vừa rồi, thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính phải có hẳn công điện yêu cầu “Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự...”, chứng tỏ sự việc đã khá là nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội.
Nó có nguyên nhân từ ở cả hai phía, một là phía công chúng, số này khá đông, họ quan niệm mọi thứ đều... nhờ thầy, từ lên chức lên lương, tới xin giàu sang, xin lộc, rồi nhân duyên, số phận, hậu kiếp tiền kiếp vân vân..., có những việc hết sức phản văn minh, tức là mê tín dị đoan, nhưng dân ta bất chấp. Và phía kia, là từ một số nhà chùa. Có thể là họ tin như thế thật, có thể là lợi dụng sự u mê của công chúng, thế là... chiều.
Nên cứ nhìn số lượng người nghìn nghịt đen đặc ở các ngôi chùa được cho là lớn, là nổi tiếng mà xem. Đúng là đông đến kinh khủng, tiêu một lượng rất lớn nhân lực xã hội và tiền của vào đấy.
Nghe và xem một cố clip các thầy thuyết giảng thấy nó gieo rắc u mê kinh khủng, nhưng vẫn rất đông người tin. Và với những người không tin những điều một số thầy giảng ấy, mà vẫn yêu mến, quý trọng phật pháp, nó bị giảm niềm tin rất nhiều.
Mới nhất chúng tôi ra Hà Nam, và vào mấy ngôi chùa nhỏ, nó rất đúng là chùa, thanh tịch sạch sẽ, nghiêm cẩn nhưng gần gũi thân thiện. Chả biết tự bao giờ chùa ở Việt Nam cứ phải rộng mênh mông, chứa một lúc vài ngàn người, trong khi nguyên thủy nó nhỏ bé khiêm nhường nép vào thiên nhiên, vào núi xa suối sâu, vào cây vào rừng...
Và cũng đang có một hiện tượng liên quan đáng chú ý là chuyện ông Minh Tuệ thực hiện Hạnh đầu đà.
Đây là môn tu rất khó, rất cực khổ, khắc nghiệt và vượt quá sức người thông thường, có người gọi là cực hình. Nó không hẳn là khất thực, bởi khất thực là đi xin thức ăn rồi lại về chùa, về chỗ nghỉ, tất nhiên cũng ngày một lần. Còn đây ông Minh Tuệ xin ăn để đi, đi bộ chân đất đầu trần, chỉ ăn vào sáng sớm, rồi cứ thế đi, đã mấy lần xuyên Việt, tất nhiên là một mình.
Cho tới một ngày, ông bị thế giới mạng phát hiện.
Thế là rối tung rối mù lên.
Cứ hình dung đi, một người thực hành tu như thế, bây giờ mỗi bước đi có hàng ngàn, có lúc tới mấy ngàn người, bám theo. Chưa hết, lúc nào cũng hàng trăm cái điện thoại, camera chĩa vào mặt, nhất cử nhất động bị tung lên mạng. Tới mức có người hỏi, những như cầu tối thiểu của con người, như xử lý đầu ra, ông giải quyết như thế nào?
Và ông Minh Tuệ cũng nhiều lần nói rõ: Con đi, không rủ rê ai nhưng cũng không có quyền đuổi ai, nhưng xin mọi người yên lặng, không ảnh hưởng giao thông, không ảnh hưởng trật tự..., nhưng mà nào có được.
Giờ, ông ẩn tu cũng không xong, vẫn có hàng trăm người chờ chực được gặp, không gặp ông thì gặp... gia đình ông. Làm cho gia đình ông cũng hết sức khó xử.
Những người đi theo ông, một số có ý định theo ông tu thật sự, quý mến ông thực sự, nhưng cũng có người tò mò, cả những người ăn theo. Số cư dân “báo mạng” nói của đáng tội, một mặt họ cung cấp thông tin liên tục cho người quan tâm, nhưng rõ ràng họ không những gây phiền nhiễu cho ông Minh Tuệ mà còn vi phạm đời tư của ông, gây náo loạn xã hội.
Mỗi lần ông Minh Tuệ xuất hiện bây giờ là lực lượng chức năng cực khổ, họ phải bảo vệ ông theo nhiệm vụ. Và như thế thì, làm sao ông còn có thể tập trung để tu khi mà để bước đi thì phải có những hàng rào người nắm tay thành vòng bảo vệ ông, chưa kể hàng ngàn người dân và hàng trăm “tay máy” quay chụp, rồi có người lăn xả vào để được chạm vào ông nữa.
Và cả, khi người ta dâng thức ăn khi ông khất thực thì có vẻ như cũng không phải vì ông, bởi ông chỉ ăn một bữa, rất ít, nhưng người ta cố gắng nhét cho ông càng nhiều càng tốt, lấy sự nhét được thức ăn cho ông như một điều may mắn, như cái cách tìm cách để chạm được vào người ông...
Tất nhiên, sẽ có lúc, người ta sẽ phải giải mã hiện tượng ông Minh Tuệ, và cũng sẽ giải mã tại sao dân chúng hâm mộ ông đến thế.
Tôi là người rất phục ông Minh Tuệ. Nguyên việc chỉ ăn một bữa, đi bộ như thế, chỉ ngủ ngồi, mà lại ngủ trong... bãi tha ma, tự may lấy y mà mặc từ vải cũ nhặt dọc đường, chủ yếu trong nghĩa địa... đã khiến tôi hết sức kính trọng và... viễn chi ông, chứ sức người bình thường không thể theo được như thế, hàng chục triệu người chưa chắc được một. Và tôi tôn trọng sự lựa chọn của ông, bằng cách ngưỡng vọng từ xa, không làm phiền ông và gia đình ông, để họ sống một cách tự nhiên như ý nguyện của họ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có công văn về ông, cho rằng ông không phải là tu sĩ Phật giáo. Thì đúng mà, ông Minh Tuệ luôn tự nhận là đang học theo lời Phật dạy, và xưng con với tất cả mọi người, chứ ông hoàn toàn không mạo danh là tu sĩ của giáo hội Phật giáo Việt Nam...
Văn Công Hùng