Giám đốc sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì về tình trạng hồ sơ đất đai ký gửi gây méo mó thị trường BĐS?

Nguyễn Thành| 15/12/2023 14:59

Sáng 14/12, kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục làm việc tại hội trường với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng thu hút ý kiến của các đại biểu. 

Thất thu thuế cho ngân sách

Phần chất vấn và trả lời chất vấn của bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng thu hút các câu hỏi liên quan đến tình hình hoạt động của các tổ chức, phòng công chứng trên địa bàn.

Giám đốc sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì về tình trạng hồ sơ đất đai ký gửi gây méo mó thị trường BĐS? ảnh 1
Bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng trả lời chất vấn.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi cho biết: Hiện nay các tổ chức, văn phòng công chứng vẫn để xảy ra tình trạng ký gửi, ký chờ và chi phần trăm hoa hồng cho các ngân hàng, các dịch vụ. Sở Tư pháp đã có chấn chỉnh nhưng tình trạng này nhưng vẫn xảy ra dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng.

"Tình trạng này đang làm gây thất thu thuế cho ngân sách thành phố. Đặc biệt, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua dịch vụ ký gửi, ký chờ", đại biểu Lợi cho biết.

Cùng quan điểm, đại biểu Lương Công Tuấn, cho biết: "Tình trạng ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng hiện nay trên địa bàn rất phức tạp hậu quả là thất thu thuế nhà nước rất lớn, tuy nhiên vẫn chưa xử lý bất cứ trường hợp nào đối với hành vi này. Đặc biệt, việc này đang làm méo mó thị trường bất động sản trên địa bàn".

Các đại biểu đã đặt câu hỏi cho bà Trần Thị Kim Oanh Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng về giải pháp nào chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng này?

Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 34 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động. Trong đó có 3 phòng công chứng và 31 văn phòng công chứng.

Liên quan đến vấn UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện nhiều nội dung, biện pháp như phối hợp với Cục Thuế kiểm tra chuyên đề thu phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đối với hợp đồng thế chấp, cũng như việc kê khai thuế tại các tổ chức hành nghề công chứng nhằm chống thất thu thuế.

Giám đốc sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì về tình trạng hồ sơ đất đai ký gửi gây méo mó thị trường BĐS? ảnh 2
Chủ tọa kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X.

Trước tình hình này, Sở Tư pháp đã tích cực thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này và cũng đã tham mưu chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Cục Thuế, Công an thành phố tham mưu, xây dựng trình UBND TP ban hành QĐ 2543 ngày 20/11/2023 về quy chế phối hợp và chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố.

Bà Oanh cũng cho biết: Trong năm 2023, Sở đã kiểm tra 5 tổ chức hành nghề công chứng. Qua kiểm tra, Sở đã nhắc nhở, chấn chỉnh một số hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính.

"Thời gian đến, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, bà Oanh cho biết.

Cần sự vào cuộc của ngành Công an

Chủ tọa kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: Tình trạng ký gửi, ký chờ nghĩa là mua 10 đồng thì nói mua 2 đồng. Người bán, người mua cũng có lợi, chỉ có nhà nước chịu thiệt, thất thu thuế.

"Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã nhận rất nhiều đơn thư liên quan đến việc ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng. Việc này gây thất thiệt rất lớn cho Nhà nước, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra kiểm tra”, ông Triết nói.

Nói thêm về việc này, đại biểu Lương Công Tuấn đề nghị Sở Tư pháp phải phối hợp với ngành Công an và phải có giải pháp nghiệp vụ mới nắm được. Bởi các hồ sơ ký gửi, ký chờ họ không để ở văn phòng công chứng mà kiểm tra.

"Phải có giải pháp mạnh mới làm được việc này. Phải làm quyết liệt để thị trường bất động sản của thành phố lành mạnh và hoạt động theo trật tự vốn có", ông Tuấn kiến nghị.

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng trực tiếp đặt thêm câu hỏi cho Giám đốc Sở Tư pháp: "Sở Tư pháp đã kiểm tra xử phạt 5 trường hợp vi phạm, biện pháp đã đủ mạnh, đủ quyết liệt để giảm ngay, giảm nhanh tình trạng này chưa? Giám đốc Sở Tư pháp có cam kết gì về việc này?"

Giám đốc Sở Tư pháp giải trình thêm: Thời gian qua đã phối hợp với cơ quan điều tra và đã đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng có cung cấp thêm thông tin tương đối. Trong năm 2019, 2020 một số hồ sơ công chứng được thông tin và có kiểm tra, Sở có chuyển cho cơ quan điều tra nhưng cuối cùng chưa xử lý được việc ký gửi, ký chờ

"Trong thời gian đến, Sở sẽ tích cực nghiên cứu và đề ra giải pháp để phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác này để phần nào đảm bảo an toàn dân sự của tổ chức, cá nhân trên địa bàn", bà Oanh cam kết.

"Khó nhất là phát hiện ra, phát hiện được là giỏi. Phát hiện rồi thì phải quyết liệt xử lý", Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhắc nhở thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì về tình trạng hồ sơ đất đai ký gửi gây méo mó thị trường BĐS?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO