Người mê nhặt rác
6h30, anh Đào Đặng Công Trung (SN 1980, giám đốc một công ty du lịch ở TP Đà Nẵng) chất những dụng cụ lặn, vợt vớt rác… lên chiếc xe máy. Anh ra biển, lặn ngụp dưới những con sóng để tìm, nhặt rác ở thềm lục địa, vướng trên rạn san hô.
Anh Trung làm công việc này từ năm 2011. Năm ấy, anh đi lặn biển, khám phá các rạn san hô ở Bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Dưới mực nước sâu, anh phát hiện rác thải không phân hủy, chai lọ, vỏ lon bia, ngư cụ hỏng… chìm, mắc, phủ trên các rạn san hô.
Thấy môi trường biển bị hủy hoại vì rác thải, anh quyết định tình nguyện nhặt rác.
Mỗi ngày 2 lần, sáng từ 6h30 đến 8h, chiều từ 5h30 đến 6h30, anh Trung lặng lẽ ra biển, lặn sâu xuống nước nhặt rác. Sau khi lặn xuống biển, anh ưu tiên thu gom, xử lý các loại rác chìm, không vướng vào rạn san hô như vỏ chai, lọ, bao nilon…
Đối với các loại rác là ngư cụ hỏng bị ngư dân bỏ lại như lưới, dây ma… anh Trung thường lặn nhiều lần, dành nhiều thời gian để cẩn thận gỡ, cắt, tránh gây ảnh hưởng đến san hô.
Sau mỗi chuyến lặn biển, anh thu gom từ 15 - 20kg rác thải các loại. Rác thải sau khi thu gom sẽ được đưa vào bờ, vận chuyển đến các thùng rác của thành phố để xử lý theo đúng quy định.
Liên tục dành thời gian làm việc không công, anh Trung bị mọi người hoài nghi, châm chọc. Anh chia sẻ: “Những năm đầu, bạn bè, người thân, đồng nghiệp nói tôi bị điên, đầu óc không bình thường, làm màu…
Tuy nhiên, tôi không quan tâm, vẫn tiếp tục duy trì việc nhặt rác. Thậm chí, tôi còn đi nhặt rác đều và thường xuyên hơn, để họ có cái nhìn, suy nghĩ khác. Sau này, mọi người hiểu và cùng tôi lan tỏa việc nhặt rác dưới biển”.
Mong sớm “thất nghiệp”
Đến nay, anh Trung đã duy trì việc lặn biển, nhặt rác được 13 năm và không có ý định dừng lại. Mỗi tuần, anh dành hẳn 5 ngày để lặn biển, nhặt rác. Anh cũng đầu tư một số tiền không nhỏ mua sắm các thiết bị, dụng cụ cần thiết cho công việc như: mặt nạ, chân vịt, thuyền SUP, kéo cắt dây, lưới chuyên dụng…
Anh cho biết: “Đây là công việc nguy hiểm không dành cho những người bơi lặn yếu. Để nhặt rác dưới biển cần trang bị những kỹ năng, kinh nghiệm nhất định như: Bơi lặn giỏi, hơi dài, có khả năng nhận diện, phòng ngừa những nguy hiểm tiềm ẩn.
Người nhặt rác dưới biển cũng cần có kiến thức về các loại sinh vật biển. Việc này giúp chúng ta nhận diện, phân biệt được đâu là loài an toàn, đâu là loài không nên đến gần. Sau cùng, người nhặt rác dưới biển phải biết cách phân loại rác và kỹ thuật lấy rác, để không làm tổn hại đến các loài sinh vật biển”.
Để lan tỏa việc làm ý nghĩa, anh Trung đưa hoạt động nhặt rác vào các tour du lịch của công ty. Mỗi tour, anh đều hướng dẫn, trang bị dụng cụ, giỏ đựng để du khách lặn, thu gom rác dưới biển.
Anh còn đổi những chiếc túi nilon du khách mang theo sang túi cói. Mục đích của việc này là nhằm ngăn chặn việc du khách vô tình bỏ lại túi nilon trên biển, gây ô nhiễm môi trường.
Sau 13 năm nỗ lực làm sạch môi trường biển, anh Trung nhận về nhiều niềm vui. Ngoài việc môi trường, môi sinh biển sạch đẹp, các rạn san hô từng bị rác thải bao phủ phát triển mạnh, rực rỡ sắc màu trở lại, anh còn truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho nhiều người.
Bằng chứng là anh thành lập nhóm yêu biển, bảo vệ môi trường mang tên Danang Free Diving với hơn 3.500 thành viên đủ mọi lứa tuổi. Mỗi tháng một lần, nhóm tổ chức các buổi lặn biển nhặt rác vào mùa hè, tại nhiều địa điểm khác nhau.
Anh tâm sự: “Tôi tìm thấy niềm vui khôn tả trong việc nhặt rác dưới biển bởi cảm thấy mình đã cứu được những rạn san hô xinh đẹp. Trước đây, tôi nhặt được rất nhiều rác dưới biển. Những năm gần đây, lượng rác dưới biển ít đi rất nhiều. Điều này chứng minh những nỗ lực của chúng tôi đã có hiệu quả tốt.
Tôi sẽ gắn bó với việc nhặt rác đến khi nào sức khoẻ vẫn còn cho phép. Tuy nhiên, tôi cũng mong không còn người vứt rác, để không còn người đi nhặt rác như mình nữa. Thông qua việc làm của mình, tôi muốn lan tỏa thông điệp, môi trường và không khí là của chung. Hãy bảo vệ chúng như bảo vệ sức khoẻ của chúng ta”.