Sáng 9.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS.BS. Chu Trọng Trang – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, đến nay, ngành y tế đang tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu sau trường hợp một bệnh nhân nữ tử vong do bệnh này.
“Hiện nay, chúng tôi đã xác định được 119 trường hợp có tiếp xúc ở các mức độ khác nhau đối với bệnh nhân, tất cả đều được cách ly, theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu.
Trong số 119 người đó, qua lấy mẫu xét nghiệm, chỉ có duy nhất một trường hợp hiện đang ở tỉnh Bắc Giang có kết quả dương tính với bạch hầu, các trường hợp còn lại âm tính, trong đó có nhiều trường hợp tiếp xúc gần. Do đó, tình hình trước mắt tạm thời yên tâm” – TS.BS Chu Trọng Trang nói.
Theo TS.BS Chu Trọng Trang, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B (COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A), có vaccine phòng, có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể dự phòng được cho nên mức độ nguy hiểm không quá lớn.
Đối với trường hợp bệnh nhân tử vong do bạch hầu, theo Giám đốc CDC Nghệ An, có một phần nguyên nhân do bệnh nhân không tiêm phòng từ nhỏ, khi phát hiện bệnh muộn và chậm chuyển tuyến theo khuyến cáo của cơ sở y tế.
“Trường hợp người lớn tử vong do bạch hầu cũng rất cá biệt, đây là trường hợp hiếm xảy ra ở Nghệ An từ trước đến nay” – TS.BS Chu Trọng Trang nói.
Theo Giám đốc CDC Nghệ An, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể được khống chế trong trường hợp tiêm vaccine bao phủ toàn dân, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, trường hợp mắc bệnh phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.Từ đó, Giám đốc CDC Nghệ An mong rằng, người dân không chủ quan với bạch hầu nhưng cũng không nên quá lo lắng về căn bệnh này, dẫn đến tâm lý hoang mang trong cộng đồng.