Giải pháp 'đánh chuột không vỡ bình' sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm

Hoài Thu, Ngọc Tân và Hà Mỹ| 08/06/2023 13:39

Bài học quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, là thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm sai phạm, có như vậy mới "đánh chuột không vỡ bình".

Câu hỏi về giải pháp phòng chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực là một vấn đề lớn được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn dành cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sáng 8/6.

Từ cuộc khủng hoảng đăng kiểm, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) nhắc đến bài học trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo để "đánh chuột không vỡ bình", tức là phải giữ được sự ổn định.

Giải pháp đánh chuột không vỡ bình sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung - Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Thắng).

"Qua vụ đăng kiểm rút ra bài học kinh nghiệm gì để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng thực chất, hiệu quả, thay đổi về chất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu là đánh chuột không để vỡ bình", nữ đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết vụ việc đăng kiểm diễn ra từ lâu, rộng và đối tượng vi phạm nhiều với hơn 600 người bị khởi tố về nhiều tội danh. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý theo quy trình tố tụng.

Qua vụ việc trên, ông Lê Minh Khái cho rằng cần rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình đăng kiểm, tách bạch chức năng dịch vụ đăng kiểm.

Bên cạnh đó, cần chú trọng giải pháp công khai, minh bạch; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính phòng ngừa.

"Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, phát hiện sớm, xử lý nghiêm mới đáp ứng được yêu cầu "đánh chuột không vỡ bình"", Phó Thủ tướng nói.

Giải pháp đánh chuột không vỡ bình sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm - 2

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn sáng 8/6 (Ảnh: Phạm Thắng).

Cũng đặt vấn đề tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) hỏi Phó Thủ tướng đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lê Minh Khái nêu ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh muốn phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả phải kiểm soát quyền lực.

"Quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát nên kiểm soát quyền lực là biện pháp căn cơ, nhằm giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, gây suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng.

Giải pháp đánh chuột không vỡ bình sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm - 3

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Thắng).

"Thực tiễn những năm qua cho thấy phải kiểm soát quyền lực với những cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ quyền hạn, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", ông Khái nhấn mạnh.

Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế xác định quyền hạn của các cơ quan Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của người có chức vụ quyền hạn.

"Những người có chức vụ, quyền hạn cũng phải tự soi, tự sửa và tự rèn luyện", ông Khái nói và cho rằng kết hợp nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ không dám làm

Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận có một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Đặc biệt, kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/giai-phap-danh-chuot-khong-vo-binh-sau-cuoc-khung-hoang-dang-kiem-20230608115340746.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/giai-phap-danh-chuot-khong-vo-binh-sau-cuoc-khung-hoang-dang-kiem-20230608115340746.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp 'đánh chuột không vỡ bình' sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO