Trả lời VTC News sáng 28/5, ông nguyễn Nhật Trường, Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết, do giá dầu thô thế giới biến động khó lường và tăng hơn 1,7% trong tuần qua.
Giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 400 – 700 đồng/lít?
Riêng trong sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,09 USD, lên mức 72,76 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,06 USD, lên mức 77,15 USD/thùng. Giá dầu thế giới biến động theo xu hướng tăng trong 2 tuần qua nên dự báo giá xăng dầu trong nước có thể được cơ quan điều hành điều chỉnh tăng từ 400 – 700 đồng/lít trong kỳ điều hành 1/6 tới.
“Trong hai ngày tới, nếu xăng dầu trên thế giới không có biến động đột xuất thì dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng từ 400 – 700 đồng/lít. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này thế nào còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có”, ông Nguyễn Nhật Trường nhận định.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, giá xăng dầu trên thế giới những ngày gần đây biến động liên tục nhưng theo xu hướng tăng là cơ bản.
Trước việc giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,09 USD, lên mức 72,76 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,06 USD, lên mức 77,15 USD/thùng chắc chắc liên bộ Tài chính- Công Thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giá theo đúng quy luật của thị trường
“Giá xăng dầu thế giới tăng chắc chắc trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu thường kỳ 1/6 tới sẽ được điều chỉnh theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm cụ thể như thế nào đã có công thức tính toán của các cơ quan chức năng và còn phục thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có chứ không tuỳ tiện được”, ông Bảo cho biết.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 28/5 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 22/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 357 đồng/lít, giá mới là 20.488 đồng mỗi lít; xăng RON95-III tăng 499 đồng mỗi lít, lên 21.499 đồng/lít; dầu diesel tăng 301 đồng, lên mức 17.954 đồng/lít; dầu mazut tăng 296 đồng, giá mới là 15.158 đồng/kg. Tuy nhiên, dầu hỏa giảm 3 đồng/lít, giá mới là 17.969 đồng/lít.
Tại kỳ hôm nay, nhà điều hành tiếp tục không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn với xăng, dầu. Mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng cũng giữ nguyên 300 đồng một lít, kg như cách đây 10 ngày. Mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng cũng giữ nguyên 300 đồng một lít, kg như cách đây 10 ngày.
Giá dầu thế giới thế nào?
Sau bốn phiên tăng và một phiên giảm, giá xăng dầu tuần này đã tiếp tục trải nghiệm tuần tăng giá thứ hai với dầu Brent tăng 1,7%, dầu WTI tăng 1,6%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá xăng dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp với đàm phán trần nợ của Mỹ và lo ngại về nguồn cung là yếu tố tác động chính.
Những diễn biến xoay quanh việc đàm phán trần nợ của Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, các thông điệp trái chiều về nguồn cung của OPEC+ trước cuộc họp chính sách đầu tháng 6, và sự giảm sốc trong dự trữ xăng dầu của Mỹ là những nhân tố chính tác động đến giá dầu tuần này.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu “leo dốc” gần 50 cent sau cảnh báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tình trạng thiếu dầu sắp xảy ra trong nửa cuối năm nay khi cầu dự kiến vượt cung gần 2 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã không thể tăng cao bởi sự mạnh lên của đồng USD và thị trường “hóng” tin tức về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ.
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang hai phiên tiếp theo, hơn 3%, sau số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ xăng, dầu của Mỹ giảm mạnh hơn 6 triệu thùng ngay trước thềm Ngày lễ Tưởng niệm vốn đánh dấu bắt đầu mùa du lịch cao điểm hè của Mỹ. Giá dầu đã giảm sâu hơn khi thị trường tiếp nhận thông tin về mức giảm dự trữ dầu sốc của Mỹ theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tới 12,5 triệu thùng xuống còn 455,2 triệu thùng. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu tiến triển nào trong đàm phán trần nợ của Mỹ.
Đáng chú ý là, giá dầu đã chịu tác động mạnh bởi cảnh báo của Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz, dành cho những người bán khống - những người đặt cược rằng giá sẽ giảm - "hãy coi chừng" thiệt hại. Theo nhà phân tích Craig Erlam của OANDA, lời cảnh báo này có thể được hiểu là OPEC+ sẽ xem xét cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp ngày 4/6.
"Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ bước đi mới nào”, báo Izvestia trích dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak. Việc ông Novak hạ thấp triển vọng cắt giảm sản lượng tiếp theo của OPEC+ này như một cú đánh mạnh khiến giá dầu bất ngờ đảo ngược đà tăng, giảm tới hơn 3 USD trong phiên giao dịch thứ tư của tuần, trước khi chốt phiên ở mức giảm hơn 2 USD.
Chỉ một tuần trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng dầu là cần thiết để duy trì một mức giá nhất định.
Đà lao dốc của giá dầu đã được hạn chế bởi sự lạc quan rằng về thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ.
Đàm phán trần nợ của Mỹ có thể kéo dài cùng các thông điệp trái chiều về nguồn cung từ Nga và Saudi Arabia trước cuộc họp chính sách của OPEC+ đã kéo giá dầu trở lại đà tăng. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 1%.
Tuần tới, diễn biến về đàm phán trần nợ của Mỹ vẫn tiếp tục là đề tài sôi nổi và là nhân tố tác động đến giá xăng dầu. Các chuyên gia dự báo, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng.