Giá dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 5 giờ 31 phút ngày 30-9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,46%, giá dầu WTI giảm 0,25%.
Tuần trước, giá dầu đã giảm khá mạnh, với dầu Brent “lao dốc” xấp xỉ 3% xuống dưới mốc 72 USD/thùng, dầu WTI “trượt dốc” gần 5%, ngày càng xa mốc 70 USD/thùng.
Giá dầu bắt đầu tuần mới trong thế trái chiều với dầu Brent tăng, dầu WTI giảm. Ảnh minh họa: Thought Co |
Giá dầu tuần trước “đổ đèo” là do khả năng Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng, nhu cầu giảm không chỉ ở Trung Quốc mà cả khu vực đồng euro và kỳ vọng Libya sẽ khôi phục sản lượng xuất khẩu.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu đã giảm tới 3 phiên và chỉ tăng “vừa phải” 2 phiên.
Theo Reuters, Riyadh đang cân nhắc chiến lược lấy lại thị phần trên thị trường dầu bằng cách tăng sản lượng, từ bỏ mục tiêu giá không chính thức 100 USD/thùng. Trong khi đó, các phe phái đối địch tại Libya đã đạt được thỏa thuận chấm dứt tranh chấp, mở ra triển vọng sản lượng xuất khẩu của nước này sẽ sớm được khôi phục.
Tuần trước, những yếu tố hạn chế đà giảm của giá dầu có thể kể đến việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí có nguy cơ gia tăng; tồn kho xăng, dầu và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 20-9, tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,5 triệu thùng, cao hơn gấp 3 lần so với kỳ vọng giảm 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng giảm lần lượt 1,5 triệu thùng và 2,2 triệu thùng.
Cũng trong tuần trước, trong báo cáo triển vọng hằng năm của mình, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn. OPEC dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự kiến trong báo cáo năm ngoái. Báo cáo cũng dự kiến nhu cầu vào năm 2050 sẽ đạt 120,1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu tuần này kéo dài đà giảm hay quay đầu tăng trở lại? Ảnh minh họa: Oilprice |
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy trong tháng 9, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 98,7 từ mức 105,6. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8-2021 trong bối cảnh lo ngại gia tăng về thị trường lao động. Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường lao động đang suy yếu mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao.
Tuần này, giá dầu có thể biến động theo các báo cáo bảng lương phi nông nghiệp, dữ liệu hoạt động sản xuất của Mỹ, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Thương mại quốc gia Mỹ, tình hình Trung Đông, tồn kho xăng, dầu của Mỹ.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30-9 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 19.620 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 20.518 đồng/lít. Dầu diesel không quá 17.506 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.873 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.357 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 3-10. Do giá xăng dầu thế giới tuần qua giảm nên nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm. Nếu đúng như dự đoán thì giá xăng trong nước sẽ không thể xác lập hat-trick tăng. Tuy nhiên, giá có thể sẽ “đảo chiều” tùy thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu trong nước những ngày tới.
Tại kỳ điều hành của liên bộ ngày 26-9, giá xăng E5 RON 92 tăng 679 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 756 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 463 đồng/lít, dầu hỏa tăng 322 đồng/lít, dầu mazut tăng 531 đồng/kg.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.