Giá vàng tăng vọt và cú bứt phá của gia tộc kim tiền Cao Thị Ngọc Dung

02/04/2024 08:26

Doanh nghiệp kinh doanh vàng do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch tăng trưởng bứt phá trong nhiều năm qua, khi giá vàng vẫn không ngừng đi lên và lợi nhuận ấn tượng từ mảng vàng trang sức.

Gia tộc kim tiền

Bà Cao Thị Ngọc Dung (SN 1957) là doanh nhân gốc Quảng Ngãi. Hiện bà là Chủ tịch CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - một trong những doanh nghiệp có tốc độ bứt phá hàng đầu Việt Nam. Bà Dung thuộc top những người siêu giàu tại Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Dung là vợ ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc DongABank). Bà cũng từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAF) giai đoạn 1992-1997.

Từ năm 2004 đến nay, bà Cao Thị Ngọc Dung là Chủ tịch CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận và cũng là cổ đông của doanh nghiệp này. Có thời gian, bà Dung kiêm vị trí Tổng giám đốc của PNJ, nhưng sau đó bà chuyển cho ông Lê Trí Thông, anh trai của cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê).

Tới cuối năm 2023, bà Dung nắm giữ gần 8,9 triệu cổ phần PNJ (tương đương 2,71%), trị giá tính đến ngày 27/3 là gần 852 tỷ đồng và gần 9,7 triệu cổ phần DongABank, nhưng không được tính do ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt trong 10 năm qua và được kiến nghị chuyển giao bắt buộc cho ngân hàng khác do DAF có vốn chủ sở hữu âm.

Tính tới gần cuối quý I/2024, giá cổ phiếu PNJ ở mức 97.500 đồng và quy mô vốn hóa hơn 32.600 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD). Đây là doanh nghiệp phát triển rất nhanh, với chuỗi cửa hàng vàng bạc trang sức vượt ngưỡng 400 địa điểm.

Cũng tại PNJ, con gái bà Dung - Trần Phương Ngọc Thảo là Phó Chủ tịch HĐQT (từ tháng 6/2020) - nắm giữ gần 7,9 triệu cổ phần PNJ, tương đương gần 2,4% vốn của doanh nghiệp.

Hai con gái khác là Trần Phương Ngọc Hà và Trần Phương Ngọc Giao nắm giữ tương ứng 12,27 triệu (3,74%) và hơn 9,6 triệu cổ phần PNJ (2,95%).

Bà Trần Thị Môn - mẹ của bà Dung - cũng nắm giữ gần 719 nghìn cổ phiếu PNJ.

unnamed 1.jpg
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ. Ảnh: PNJ

Một người em của bà Dung là Cao Ngọc Duy nắm hơn 9 triệu (2,75%), còn em gái Cao Thị Ngọc Hồng nắm hơn 880.000 cổ phần PNJ,... Bên cạnh đó, các anh em khác của bà Dung là Cao Ngọc Hiệp, Cao Ngọc Huy, Cao Thị Ngọc Tâm, Cao Thị Thúy,... cũng nắm cổ phần tại PNJ.

Tổng cộng, đại gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm khoảng 15% cổ phần PNJ.

Năm 2016, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) và bà Thái Hương (Chủ tịch TH True Milk) là ba phụ nữ Việt Nam trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes.

Doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung không ngừng mở rộng, sở hữu chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức hàng đầu cả nước. Tới năm 2023, PNJ có 57 chi nhánh, khoảng 7.670 nhân viên và tới cuối tháng 2/2024 có 402 cửa hàng trên khắp Việt Nam.

Đế chế vàng bạc PNJ bứt phá

Có thể thấy, bà Cao Thị ngọc Dũng đã dẫn đầu đại gia đình gây dựng lên đế chế vàng bạc quy mô tỷ USD, cho dù vướng mắc một khối tiền lớn gần 400 tỷ đồng trong khoản đầu tư tại DongABank.

Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank, với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này.

Vụ việc của ông Bình từng gây băn khoăn cho nhiều cổ đông PNJ về mối quan hệ giữa PNJ và DongABank. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2018, bà Dung khẳng định PNJ không phải là “sân sau” của ông Trần Phương Bình và không liên quan đến những vấn đề của DAF. Bà Dung cho hay, nếu PNJ có liên quan thì công ty không thể đứng vững được đến nay.

Một bước ngoặt khác của PNJ là giai đoạn 2016, doanh nghiệp này mạnh dạn chuyển đổi, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Nhờ đó, doanh thu của PNJ tăng vọt. Năm 2016, doanh thu của PNJ đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tuy chỉ bằng khoảng 40% so với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhưng lãi gộp đạt hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 7 lần SJC.

Trong các năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PNJ liên tục tăng mạnh. Doanh thu vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng trong năm 2017, rồi lên sát ngưỡng 20.000 tỷ đồng vào năm 2021 trước khi lên hơn 34.200 tỷ đồng năm 2022 và đạt gần 33.500 tỷ đồng trong năm 2023.

Lợi nhuận của PNJ vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 (đạt gần 1.200 tỷ đồng) và đạt ngưỡng 1.810 tỷ đồng trong năm 2022, rồi tiếp tục lên 1.971 tỷ đồng trong năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PNJ được xem là rất ấn tượng.

Theo báo cáo mới nhất, trong hai tháng đầu năm 2024, PNJ đạt 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần đạt gần 8.500 tỷ đồng. Doanh thu trang sức của PNJ chiếm 65,8% trong tổng cơ cấu. Doanh số bán lẻ duy trì được mức tăng trưởng nhờ vào gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới khách hàng, tăng cường tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ.

Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt trong nhiều năm qua, nhưng doanh nghiệp của nữ đại gia kim tiền số 1 Việt Nam Cao Thị Ngọc Dung cũng gặp một số vấn đề. Cổ phiếu PNJ đã bị loại khỏi rổ cổ phiếu trụ cột VN30 trên sàn HOSE.

Nhiều báo cáo gần đây đánh giá ngành bán lẻ nói chung không còn tích cực như trước khi sức cầu tiêu dùng thấp. Các ông lớn bán lẻ như Thế Giới Di Động (MWG), Masan (MSN), DigiWorld (DGW)... đều gặp khó.

Nhưng với PNJ, doanh nghiệp này có lợi thế hơn nhờ xu hướng người dân vẫn mua vàng trong khi kinh tế khó khăn. Năm 2023, tuy sức tiêu dùng của người dân suy giảm nhưng PNJ vẫn duy trì doanh thu khá tốt, lợi nhuận tăng nhờ giá bán cao hơn.

Gần đây, giá vàng thế giới lên sát ngưỡng 2.200 USD/ounce - mức cao kỷ lục. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn quanh ngưỡng 81 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn chút ít so với đỉnh 82,8 triệu đồng ghi nhận hôm 12/3. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức có lúc lên 71 triệu đồng/lượng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng tăng vọt và cú bứt phá của gia tộc kim tiền Cao Thị Ngọc Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO