Bước ngoặt tại Syria, xuất hiện động lực mới cho vàng
Cục diện tại Trung Đông có thể biến động mạnh sau khi chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ vào cuối tuần đầu tiên của tháng 12/2024. Nga không thể duy trì ảnh hưởng tại Syria. “Trục kháng chiến” chính trị và quân sự của Iran đang đối mặt với thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Sự kiện chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ có thể thay đổi cục diện tại Trung Đông, đặc biệt giữa các nước trong khu vực như Israel, Iran, Iraq, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, đây cũng là yếu tố tác động mạnh đến giá vàng.
Sau khoảng hai tuần trầm lắng và thiếu động lực hỗ trợ, giá vàng trên thị trường quốc tế đêm 9/12 (giờ Việt Nam) tăng vọt, từ mức khoảng 2.635 USD/ounce có lúc lên 2.675 USD/ounce.
Trước đó, sau gần một năm tăng dữ dội, từ cuối năm 2023 tới hết tháng 10/2024, giá vàng đã điều chỉnh giảm mạnh, từ đỉnh cao lịch sử 2.789 USD/ounce ghi nhận hôm 30/10 xuống mức thấp nhất 2.540 USD/ounce vào gần giữa tháng 11, về khá ổn định ở mức 2.630-2.650 USD/ounce
Mức tăng 35% trong 10 tháng đầu năm khiến kỳ vọng tăng giá của mặt hàng kim loại quý tụt giảm nhanh chóng.
Bên cạnh đó, xuất hiện thêm nhiều yếu tố chống lại vàng như đồng USD lên cao và được dự báo vẫn mạnh dưới thời ông Donald Trump và những tuyên bố chấm dứt chiến tranh, xung đột của tổng thống đắc cử Mỹ.
Nhiều dự báo gần đây cho rằng, vàng vẫn trong xu hướng đi lên do thế giới bước vào chu kỳ giảm lãi suất và lạm phát có thể quay trở lại, nhưng sẽ không còn tăng mạnh trong năm 2025. Mức tăng có thể chỉ thêm vài phần trăm, nhiều khả năng khó đạt 3.000 USD/ounce như một số dự báo trước đó.
Tuy nhiên, cú tăng bứt phá thêm 40-50 USD trong phiên 9/12 trên thị trường New York khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có một đợt sóng tăng giá mới của vàng?
Trung Đông sẽ ra sao, vàng lập kỷ lục mới hay giảm nhanh?
Nếu tình hình tại Ukraine có những tia sáng le lói về hòa bình khi Nga cho biết sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự thì Trung Đông trở nên khó lường sau sự kiện chính quyền Bashar al-Assad tại Syria sụp đổ.
Vấn đề mà giới đầu tư quan tâm là tình hình tại Syria sắp tới, nhóm nào sẽ lãnh đạo đất nước này và cục diện Trung Đông thay đổi ra sao?
Trong 13 năm nội chiến, nhiều nhóm vũ trang có cùng mục tiêu lật đổ ông Assad. Và trong bước ngoặt cuối tuần qua, có rất nhiều lực lượng nổi dậy tham gia vào, trong đó, theo Sky News, gồm nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al Sham (HTS) và nhóm Quân đội quốc gia Syria (SNA).
Còn Israel, sau bước ngoặt tại Syria, Thủ tướng Benjamin Netanyahu lần đầu tiên sau 50 năm cho lực lượng Israel kiểm soát vùng đệm ngăn cách Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát (trước năm 1967 thuộc Syria) với phần còn lại của Syria.
Như vậy, việc nhóm nào nắm quyền tại Syria và có chính sách với các nước khác tại Trung Đông như thế nào sẽ quyết định tình hình trong khu vực. Sự khó lường là rất cao.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể nếu “Trục kháng chiến” của Iran đứt gãy, khả năng căng thẳng giữa Israel và Iran có thể sẽ hạ nhiệt.
Một tín hiệu khá tích cực là nhiều nước như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ có cách tiếp cận mang tính xây dựng sau sự kiện nhóm nổi dậy lật đổ ông Assad.
Như vậy, rất có thể sự kiện chấn động tại Syria cuối tuần qua lại là một bước ngoặt tích cực tại Trung Đông. Giá vàng vụt tăng có thể chỉ là tức thời và đang khựng lại ở ngưỡng 2.670 USD.
Dù vậy, thị trường vàng lại vừa chứng kiến sự trở lại mua vàng của Trung Quốc, thêm 5 tấn, trong tháng 11 sau 6 tháng tạm dừng. Nhiều chuyên gia tin rằng việc Bắc Kinh quay lại mua vàng chỉ là vấn đề thời gian.
Trong cuộc họp gần nhất, các nước nhóm BRICS chưa có thêm tín hiệu nào về việc cho ra đời một đồng tiền chung để giảm phụ thuộc vào đồng USD, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng nhóm này đã có một loại tiền tệ chung trong giao thương, đó chính là vàng. Và các nước BRICS sẽ còn gia tăng nắm giữ và sử dụng vàng.
Như vậy, trong năm 2025, vàng có thể vẫn sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng lãi suất giảm và sức cầu từ các tay to trên thị trường, trong khi có thể sẽ không còn được hỗ trợ nhiều bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Ukraine và Trung Đông.
Tại Trung Đông, căng thẳng có thể không leo thang dưới thời ông Trump nhưng Trung Đông nói chung và Syria nói riêng là câu chuyện rất phức tạp. Xung đột liên quan tới tôn giáo, đất đai, vị trí địa chính trị và quá nhiều lợi ích chi phối, đối nghịch nhau... không thể sớm kết thúc. Syria không phải là nước xuất khẩu dầu lớn, nhưng là trung tâm của nhiều luồng trao đổi năng lượng.
Vàng vẫn được dự báo tăng trong năm 2025 nhưng với tốc độ chậm hơn.