Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, ở Việt Nam, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh, liên tục và kéo dài như thời gian gần đây. Vì vậy những nhà đầu tư đang "ôm" vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.
"Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời", ông Thịnh đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, diễn biến của giá vàng cũng rất khó lường và nhiều rủi ro khi chênh lệch với giá thế giới khá lớn, nên nếu có lời, nhà đầu tư nên bán. Cụ thể, giá vàng trong nước thường biến động theo giá thế giới, thế nhưng có thời điểm hoàn toàn trái ngược.
Cũng theo ông Thịnh, giá vàng miếng SJC hiện có khoảng cách với giá thế giới quá cao, lên đến 18 - 20 triệu đồng/lượng trong thời gian qua là không hợp lý. "Giá vàng trong nước không liên thông với giá thế giới nhưng cũng chỉ nên cao hơn từ 6 - 7 triệu đồng/lượng là hợp lý", ông nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia về vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, đối với những người đã mua vàng trước đây, bây giờ mang bán chắc chắn đã có lời rồi thì cũng nên xem xét bán chốt lời.
“Vàng cũng giống các thị trường tài chính khác, sẽ có lên và có xuống. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang rất cao, đẩy giá vàng trong nước tăng cao theo. Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để chốt lời”, ông Phương tư vấn.
Phân tích thêm, ông Phương cho hay, các nhà đầu tư đã mua vàng từ thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, với mức giá như hiện tại, tỷ suất sinh lời đã khá tốt, chỉ trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư cứ tính mức lãi trung bình khoảng 2 triệu đồng/lượng thì nên chốt lời.
Chẳng hạn, nếu mua trước Tết, giá vàng nhẫn chỉ khoảng 62 triệu đồng/lượng. Khi giá tăng lên trên 64 triệu đồng thì nên bán. Mức lãi này tương đương khoảng 3-4% trên số tiền đầu tư chỉ trong vòng 1 tháng, hơn lãi suất gửi ngân hàng nhiều.
Có nên "ôm" vàng đầu tư?
Theo ông Phương, giá vàng đang ở đỉnh, nếu mua vào thời gian này rất dễ rủi ro, tỷ lệ sinh lời không cao như thời điểm trước đó.
Tuy nhiên, xu hướng của vàng thế giới trong năm 2024 còn tiếp tục tăng nên nếu muốn mua thì chờ đến tháng 4-5, khi giá vàng trong nước thường có xu hướng giảm thì sẽ có giá tốt để mua vào.
Ông Phương cũng đưa ra lời khuyên, nếu mua vẫn nên chọn vàng nhẫn 9999, bởi vàng SJC đang có mức chênh lệch cao với giá vàng thế giới, chưa biết Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp lúc nào, nên mức rủi ro khá lớn.
“Vàng nhẫn thường theo sát thị trường, chênh lệch với vàng thế giới chỉ 3-4 triệu đồng/lượng nên rủi ro cho các nhà đầu tư không nhiều”, ông Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, thời gian tới nếu sửa đổi Nghị định 24 theo hướng mở rộng nguồn cung, giá vàng có thể sẽ hạ nhiệt, đây là thời điểm nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng.
"Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. VGTA có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung", ông Khánh cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch VGTA cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng như hiện nay.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay (12/3) tiếp tục xu hướng tăng và lập kỷ lục mới khi đạt ngưỡng 82,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, 8h30 sáng nay, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 80,25 - 82,25 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 80,3 - 82,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng đã leo lên mức đắt nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục 82,2 triệu đồng/lượng được lập hôm 10/3.