Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

22/04/2024 17:21

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Gia đình anh Mạnh Dũng, ở Bắc Ninh vừa khép lại hành trình du lịch Đà Nẵng. Khác với mọi năm, anh không đi máy bay mà chọn phương tiện xe khách, dù mất 12 tiếng di chuyển nhưng giá vé rẻ hơn tới 1 triệu đồng/người. Hè này, anh Dũng còn một chuyến du lịch nữa với bạn bè và đang cân nhắc khi giá vé máy bay nội địa tăng cao:

"Đi từ Bắc vào Nam thì mình phải chọn phương án khác, vì vé tăng cao quá thì sẽ đội chi phí cho cả gia đình. Kế hoạch là đi Phú Quốc, nhưng mình so sánh đi Thái Lan thì lại thấy rẻ hơn nhiều".

Giá vé máy bay trong nước hiện cao hơn từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá tour trong nước cũng tăng từ 5 - 7%

Theo khảo sát của phóng viên, giá vé máy bay trong nước hiện cao hơn từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá tour trong nước cũng tăng từ 5 - 7%. Trên một số trang bán vé trực tuyến, chặng khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc giờ đẹp có giá lên tới 13 triệu đồng, gần gấp đôi giá vé đi Bangkok, Thái Lan, tương đương tour trọn gói đi Trương Gia Giới, Trung Quốc. Điều này đã tác động mạnh đến nhu cầu du lịch của người dân: "Tôi đang tính đi chặng Vinh - Buôn Ma Thuột. Nói thật là muốn đi máy bay cho nhanh, thuận tiện, chứ không thì xa xôi, con nhỏ vất vả lắm. Thôi thì không còn kế hoạch đi gì cả".

Không chỉ người dân mà các công ty lữ hành cũng chịu nhiều tác động. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GBest Việt Nam cho biết, lượng khách đi tour nước ngoài tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, với mức giá trọn gói trong khoảng 10 - 25 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng khách đi tour trong nước sử dụng đường hàng không đã giảm tới 40%.

"Chúng tôi đang đa dạng hóa sản phẩm, tư vấn từng phần những dịch vụ giúp du khách có nhiều sự lựa chọn phù hợp về đường bay, hãng bay, điểm đến và một số dịch vụ cấu thành giá như khách sạn (chủng loại sao), điểm đến, phí thắng cảnh,…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết, hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành để có chi phí tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi cũng mong muốn có sự bình ổn giá trở lại sớm nhất, đặc biệt với các đường bay.

Chúng tôi cũng rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan du lịch địa phương để có thể triển khai hợp tác tốt, lấy số lượng khách hàng đến địa phương làm cơ sở gia tăng lợi ích cho nhà cung cấp thay vì giá cao khiến nhu cầu du lịch của khách bị giảm", bà Nguyễn Thị Huyền nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường đại học Thương mại, dù giá vé máy bay tăng cao nhưng nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn là rất lớn (quý I tăng trưởng tớn hơn 30%). Điều này khiến thị trường có sự thay đổi, lượng khách có xu hướng giảm ở những điểm đến xa nhưng sẽ tăng ở những điểm đến gần. Việc chuyển từ đường không sang đường bộ, đường sắt cũng sẽ là thách thức lớn với hệ thống hạ tầng, bến bãi ở các điểm du lịch vốn đã quá tải.

PGS.TS Nguyễn Viết Thái cho rằng, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, các địa phương và doanh nghiệp cần tính đến những giải pháp lâu dài để kích cầu du lịch nội địa bền vững: "Đầu tiên, công ty du lịch, các địa phương phải tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, có những điểm đặc biệt, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng để thu hút khách quay trở lại và tạo sự lan tỏa với những nhóm khách hàng khác.

Thứ hai, chúng ta phải có sự liên kết các địa phương và doanh nghiệp. Chúng ta đã làm, nhưng vấn đề là biến nhận thức thành hành động. Có những doanh nghiệp khi không có khách hàng thì rất nhiệt tình tham gia vào chuỗi. Thế nhưng, khi nhu cầu khách hàng tăng lên thì người ta sẵn sàng từ bỏ. Phải có sự liên kết dài hạn và tuân thủ một cách nghiêm ngặt, phải có doanh nghiệp lãnh đạo các chuỗi đó.

Thứ ba là hoạt động truyền thông, xúc tiến về các điểm đến. Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt của từng sản phẩm chạm với nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu. Vấn đề ở chỗ là người ta phải được biết, được nghe và được thấy".

Còn theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, thời điểm này mới nói đến kích cầu du lịch nội địa thì đã muộn, những giải pháp quảng bá, xúc tiến cần được thực hiện bài bản từ nhiều tháng trước khi bước vào mùa cao điểm. Do vậy, công tác dự báo là rất quan trọng để có được giải pháp kịp thời, phù hợp, nhất là khi ngành du lịch luôn chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan ở những thời điểm khác nhau.

"Du khách luôn có sự điều chỉnh chuyến đi phù hợp kinh tế của mình. Xu hướng của khách du lịch hiện tại là liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến. Do vậy, cần giải pháp của các nhà quản lý tại điểm đến, cần có những dự báo sớm và giải pháp phù hợp.

Lúc này có những ảnh hưởng như thế này, lúc khác lại có những ảnh hưởng khác, do vậy, chúng ta cần hết sức linh hoạt trong vấn đề nguồn khách, công tác xúc tiến điểm đến, xa hơn là quản lý rủi ro, để giảm nhẹ những ảnh hưởng của điều kiện khách quan đối với hoạt động du lịch", ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Trong tương lai, nhiều biến động khác có thể xảy ra, ảnh hưởng mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Do đó, cần sớm cải thiện mối liên kết trong chuỗi giá trị du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo vov.vn
https://vov.vn/du-lich/gia-tour-tang-cao-cach-nao-kich-cau-du-lich-noi-dia-post1090612.vov
Copy Link
https://vov.vn/du-lich/gia-tour-tang-cao-cach-nao-kich-cau-du-lich-noi-dia-post1090612.vov
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO