Giá dầu lao dốc, mất mốc 100 USD/thùng

02/08/2022 11:38

Giá dầu thế giới hôm nay (2/8) lao dốc mạnh, mất mốc 100 USD/thùng. Giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu.

Giá dầu thô giảm mạnh từ ngày hôm qua (1/8). Giá dầu thô Brent xuống 102,7 USD/thùng vào ngày 1/8, mất 1,39 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ xuống mức 97 USD/thùng.

Đến sáng nay, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống, mất mốc 100 USD/thùng. Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 10h11' ngày 2/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10 được giao dịch ở mức 98,88 USD/thùng, giảm 1,15 USD, tương đương 1,15% so với ngày hôm qua. Còn giá dầu WTI giao tháng 9 được giao dịch ở mức 92,95 USD/thùng, giảm 0,94 USD, tương đương 1% so với ngày hôm qua.

Vào ngày 29/7, giá dầu Brent có thời điểm đã đạt 110 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở ngưỡng 102 USD/thùng. Như vậy, so với cuối tuần trước, hiện giá của hai loại dầu này đã mất tới hơn 10 USD/thùng.

Giá dầu giảm mạnh.

Còn so với mức đỉnh của giá dầu WTI là 130,5 USD/thùng, của giá dầu Brent là 140 USD đạt được vào tháng 3 năm nay thì hiện giá dầu Brent giảm 30%, còn giá dầu WTI giảm khoảng 28%.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu thô được điều chỉnh giảm trước các số liệu sản xuất suy yếu.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã công bố chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất của nước này trong tháng 7 ở mức 49 điểm. Chỉ số PMI dưới mức 50 điểm thường phản ánh sự suy yếu của các hoạt động sản xuất. Điều này cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Các hoạt động sản xuất bị thu hẹp cũng tác động tới nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Không chỉ ở Trung Quốc, số liệu sản xuất tại nhiều nước ở khu vực châu Á, châu Âu và châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Trong tháng 7, hoạt động của các nhà máy tại Nhật Bản và Hàn Quốc suy giảm đáng kể. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 7 giảm xuống 52,8 điểm. Chỉ số PMI sản xuất tại khu vực đồng tiền chung Euro trong tháng 7 đã giảm xuống 49,8 điểm.

Bên cạnh đó, giá dầu giảm còn do những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã được giải quyết phần nào khi mới đây Libya công bố sản lượng của nước này đã trở về mức 1,2 triệu thùng/ngày sau một thời gian dài các cảng và mỏ dầu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Ngân hàng Citi dự báo, giá dầu từ nay đến cuối năm có thể xuống mốc 65 USD/thủng nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ở thị trường trong nước, tại kỳ điều hành ngày hôm qua (1/8), giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 450 đồng, về 24.620 đồng/lít, giá xăng RON 95-III là 25.600 đồng/lít, giảm 470 đồng.

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt được giảm giá. Giá dầu diesel 0,05S-ll giảm tới 950 đồng/lít, còn 23.900 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 710 đồng, còn 24.530 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu lao dốc, mất mốc 100 USD/thùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO